Tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Sáng 3-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT) nhằm tổng kết hoạt động HNQT năm 2014; bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020. Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.
Năm 2014, hoạt động HNQT của Việt Nam được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt kết quả toàn diện trên cả ba trụ cột quan trọng: chính trị, an ninh, quốc phòng; kinh tế và khoa học-giáo dục; văn hóa – xã hội.
Điểm sáng lớn nhất năm 2014 là việc đẩy nhanh và tiến tới kết thúc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nhiều ý kiến tại phiên họp đề xuất cần kết hợp chặt chẽ hơn giữa đối ngoại song phương và đối ngoại đa phương cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về HNQT, nhấn mạnh sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 NQ/TW, công tác HNQT đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại cần hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm, ra sức khắc phục.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, cả thế giới là một thị trường, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và các quốc gia buộc phải hội nhập. Đất nước phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa, lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia, cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng chỉ đạo, phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa hoạt động HNQT về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường sự ủng hộ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác; góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Về kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung mạnh thúc đẩy đàm phán các FTA thế hệ mới, phát huy lợi thế của các FTA đã được ký. Triển khai hội nhập sâu rộng, hiệu quả về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo.
Chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết máu thịt giữa đồng bào trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài; tranh thủ các nguồn lực từ kiều bào để phục vụ mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thực hiện tốt công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.
Trong đối ngoại đa phương, Thủ tướng lưu ý, cần hết sức chủ động, đề xuất, khởi xướng để xây dựng luật chơi chung theo mẫu số chung, theo thông lệ quốc tế, Hiến chương LHQ và bảo vệ lợi ích của đất nước; tiếp tục chủ động tham gia các điều ước quốc tế, các hoạt động ở các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, LHQ.
* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp lần thứ VI của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH). Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhấn mạnh, theo nhiều dự báo khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, nước biển dâng (NBD): “triều cường, úng ngập, sạt lở, nhiễm mặn đang diễn ra hằng ngày, chúng ta không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không coi đây là chuyện xa vời, phải chung sống, thích ứng, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH”. Thủ tướng cho rằng, thích ứng BĐKH phải thường trực cả trong nhận thức và hành động, phải được xem xét trong mọi kịch bản phát triển, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trên tất cả các lĩnh vực, là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của toàn xã hội; đồng thời phải triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, liên tục, lâu dài nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực cho ứng phó BĐKH phải bằng nội lực là chính.
Đề cập các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người dân, doanh nghiệp đều phải nâng cao nhận thức, tập trung rà soát, cập nhật, xây dựng lại quy hoạch từng vùng, từng ngành theo tinh thần sống chung với BĐKH, NBD. Thủ tướng chỉ đạo, từ việc tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch để xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư “vì nguồn lực đầu tư của đất nước còn hạn chế; các dự án trọng điểm phải tập trung vào các lĩnh vực bức thiết như chống xói lở thông qua việc trồng rừng phòng hộ, đắp đê; tính toán, xác định rõ các vùng đất nào cần phải chống xâm nhập mặn; thực hiện hiệu quả các giải pháp chống ngập úng (do thủy triều dâng) ở một số thành phố lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ”…
Thủ tướng cũng lưu ý, cần hết sức quan tâm thu hút, vận động nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phục vụ đắc lực, hiệu quả các hoạt động ứng phó BĐKH, NBD; đồng thời tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()