Tích cực, chủ động khắc phục thiệt hại của bão lũ
Cán bộ, giáo viên Trường MN 8/3 (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) dọn vệ sinh môi trường sau lũ |
Theo thống kê nhanh của ngành GD&ĐT, bão và mưa lớn đã làm đổ hoàn toàn 3 phòng học, sạt lở vách nhà ở giáo viên và phòng học ở Đình Lập; 15 phòng học ở Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập bị tốc mái; đặc biệt bão đã làm tốc mái 1 kho thiết bị của trường THCS xã Yên Khoái ( Lộc Bình) làm ướt và hỏng các thiết bị của trường này; sức gió lớn đã làm đổ tường rào của trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh; làm gãy đổ cây cối tại một số trường. Mưa lũ còn “ tấn công” vào trường THCS dân tộc nội trú huyện Cao Lộc, làm đổ 77 m tường rào của trường tiểu học xã Khánh Khê thuộc huyện Văn Quan, lũ tràn vào sân các trường thuộc phường Chi Lăng, Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, phá hủy sàn gỗ của trường MN Hoa Sữa, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Tổng thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra cho ngành GD&ĐT Lạng Sơn khoảng 450 triệu đồng; tuy nhiên con số này chắc chắn sẽ còn tăng khi có thống kê đầy đủ.
Sở dĩ số thiệt hại không lớn là do ngành GD&ĐT đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh về phòng, chống cơn bão số 2. Theo đó, ngành đã có Công văn số 1511, ngày 17/7/2014 chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường và cơ sở GD triển khai các biện pháp phòng và chống. Nhiều giải pháp cụ thể đã được áp dụng như lãnh đạo các nhà trường thực hiện trực 24/24 giờ, huy động đội ngũ giáo viên và cán bộ nhân viên sơ tán trang thiết bị dạy học lên tầng cao, phòng chắc chắn, gia cố lại các mái tôn, tấm lợp để chống bay, chống dột. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Xuân Mai, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết, cơ sở vật chất, nhất là phòng học và công trình phụ trợ của cấp học MN huyện Đình Lập vẫn trong tình trạng tạm bợ, rất dễ bị ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên do đã có sự chuẩn bị trước, nên thiệt hại đã ở mức thấp nhất. Toàn ngành chỉ có 3 phòng học tạm ở các trường MN xã Châu Sơn, Kiên Mộc, Bính Xá bị đổ hoàn toàn và vách của 1 lớp học, 1 phòng ở giáo viên bị sạt lở với tổng thiệt hại trị giá trên 100 triệu đồng. Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết, do đã quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của thành phố và của ngành, ngành GD&ĐT thành phố luôn sát sao đến từng trường, từng cơ sở giáo dục, nhất là các điểm nguy cơ ảnh hưởng lớn do với lũ bão. Theo thống kê, các trường trên địa bàn phường Chi Lăng nước tràn vào song đã chủ động đưa bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi lên cao nên không có thiệt hại. Riêng trường MN Hoa Sữa tại đường Bến Bắc, phường Tam Thanh bị nước vào cuốn trôi và sập hệ thống sàn gỗ với thiệt hại trị giá trên 150 triệu đồng.
Những thiệt hại trên tuy không lớn, song nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị CSVC cho năm học 2014-2015 sẽ tiến hành vào giữa tháng 8 tới. Với đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên đông đảo, các nhà trường bị úng ngập thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy”. Cô giáo Hà Yến Anh, Hiệu trưởng Trường MN 8/3 (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) cho biết, ngay từ chiều ngày 20/7, khi nước có dấu hiệu rút, các cô giáo và nhân viên đã có mặt để dọn dẹp bùn rác, lau rửa sân trường. Đây là việc rất quan trọng, nếu để lâu, bùn rác sẽ ứ đọng và rất khó dọn dẹp, ảnh hưởng đến việc đón học sinh vào ngày 1/8 tới. Về việc khắc phục hậu quả, phương châm của ngành GD&ĐT là, huy động sức mạnh về nhân lực và vật lực của nhà trường, địa phương, có sự hỗ trợ của ngành để nhanh chóng tu sửa phòng học, củng cố trang thiết bị, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Trên thực tế, thiệt hại đối với từng nhà trường không lớn và với sự vào cuộc của địa phương và người dân, ngành hoàn toàn có thể tạo dựng và sửa chữa một cách chu đáo. Đối với các phòng học tạm như ở Đình Lập, cần huy động sức dân về cả nhân lực vật lực, ngành hỗ trợ tấm lợp; đối với 15 phòng học bị tốc ngói và hỏng trần nhựa (Văn Quan 6 phòng, Lộc Bình 7 phòng, Đình Lập 2 phòng) trước mắt cần thu hồi ngói, tấm lợp và mua bổ sung để sửa chữa ngay, đề phòng những trận mưa gây hỏng, sập mái. Đối với các thiết bị ướt, hư hỏng ở trường THCS xã Yên Khoái (Lộc Bình) cần được thu dọn, phân loại để có thể sử dụng trước mắt.
Thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều, vấn đề là sự chủ động, tính sáng tạo của các nhà trường trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Tạo dựng và khôi phục cảnh quan nhà trường như trồng lại cây xanh, vệ sinh trường lớp, tiêu độc khử trùng đối với nơi bị úng ngập và bể chứa nước sinh hoạt, đề phòng có hiệu quả các loại dịch bệnh sau lũ đối với trẻ em như tay-chân-miệng, bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh về mắt và bệnh ngoài da… Khôi phục lại các bếp ăn tập thể, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm để sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.
Ý kiến ()