Tỉ lệ mắc mới ung thư phổi có xu hướng gia tăng
Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Theo thống kê về dịch tễ bệnh ung thư toàn cầu của Globocan (trực thuộc WHO) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Trong đó, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm trên 90% gây ra bệnh ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác. Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện, có khoảng 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả điều trị bệnh càng cao.
Đồng thời, để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác và các bệnh không lây nhiễm, Thứ trưởng khuyến cáo, người dân cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.
Bên cạnh đó, phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên rèn luyện sức khoẻ và mỗi người phải có thói quen khám sức khoẻ định kỳ.
“Với những người có tiền sử hút thuốc lá, chúng tôi khuyến cáo sau 40 tuổi và sau 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế cũng kêu gọi cộng đồng hãy cùng chung tay đẩy lùi căn bệnh ung thư phổi; các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đối với các nhóm đối tượng nguy cơ vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh.
Ý kiến ()