Thụy Sĩ tham gia nỗ lực chống chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia
Thụy Sĩ cho biết sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin về các hoạt động của các công ty đa quốc gia trên lãnh thổ của mình với các nước khác vào năm 2020.
Quyết định này là một phần của cuộc chiến chống lại các công ty trốn thuế toàn cầu – các công ty chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn để giảm các khoản thanh toán thuế của họ. Các biện pháp mới sẽ buộc khoảng 200 công ty lớn ở các nước có mức thuế thấp phải chuẩn bị các báo cáo tại mỗi quốc gia mà các công ty này tạo ra thu nhập, cũng như nộp thuế.
Thụy Sĩ đã thu hút hàng trăm công ty đa quốc gia với một số mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất ở châu Âu. Các mức thuế này ảnh hưởng đến các công ty có doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro (khoảng 881 triệu USD).
Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đồng ý bắt đầu chia sẻ thông tin từ năm 2018.
Để tăng cường hiệu quả và quản lý một cách thống nhất hơn trên phạm vi toàn khối, EU đang soạn thảo một chính sách thu hồi thuế mới, nhằm “chấn chỉnh” nạn trốn thuế của các doanh nghiệp lớn.
Hồi tháng 8/2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua việc yêu cầu Ireland truy thu 13 tỷ euro tiền thuế từ Apple. EU cho rằng Apple đã lách luật để không phải đóng nhiều tỷ euro tiền thuế tại Ireland và Ireland có phần ưu ái khi ban hành các thỏa thuận không công bằng, nhằm giảm bớt thuế suất thu nhập doanh nghiệp.
Phán quyết của EC còn nêu thêm: “Chính sách thuế khóa của Ireland đã cho phép Apple tránh được việc nộp thuế từ lợi nhuận thu được trong việc bán sản phẩm trên toàn thị trường chung của EU”. Nói một cách khác đây là lời cáo buộc Ireland đã tổ chức gian lận thuế.
Mới đây nhất, EC cũng yêu cầu Chính phủ Luxembourg truy thu 250 triệu euro tiền thuế từ công ty thương mại điện tử Amazon.
Trước hàng loạt những vi phạm, EU đã tiến hành thảo luận các quy định mới nhằm tính thuế nhập khẩu và hạn chế những hành vi thương mại không công bằng.
Hình dung một cách đơn giản, một doanh nghiệp Italy bán một sản phẩm cho một doanh nghiệp Bỉ sẽ phải thu và trả thuế VAT cho cơ quan thuế của Italy theo tỷ lệ quy định của Bỉ về giao dịch loại này.
Các doanh nghiệp chưa chắc đã tin tưởng vào các cơ quan thu thuế. Tuy nhiên, điều này còn dễ chịu hơn so với việc thuế bị lọt vào tay những kẻ rửa tiền.
Theo ước tính của EU, hàng năm khu vực này thất thu khoảng 50 tỷ euro do hành vi trốn thuế. Động thái này được cho là sẽ chấm dứt vĩnh viễn tình trạng các tập đoàn và doanh nghiệp nhắm vào các “lỗ hổng” trong hệ thống thuế của EU, để giảm bớt số tiền thuế phải đóng.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()