Thứ 2, 23/12/2024 17:17 [(GMT +7)]
Thủy sản Lạng Sơn: Vững vàng qua khoảng lặng
Thứ 6, 20/01/2012 | 15:42:00 [(GMT +7)] A A
Sớm xuân, Phó Giám đốc Trung tâm thủy sản Phạm Bá Biền đưa chúng tôi đi tham quan một vòng Trung tâm giống. Cái cơ ngơi đồ sộ ấy còn quá cả tưởng tượng của nhiều người, ông Biền bảo: có quay trở lại cái thời hoàng kim ngày trước thì cũng chẳng thể nào bằng như bây giờ, đời sống của công nhân trại giống giờ cũng khá, lương hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu sản xuất theo đúng năng lực thì hiện nay Lạng Sơn không những chủ động được cá giống, mà thừa khả năng cung cấp cho các tỉnh lân cận. Vượt qua cái quãng khó khăn, lận đận ấy, thủy sản Lạng Sơn đang phát huy tối đa những tiềm năng vốn có, vững vàng khẳng định vị thế của mình.
LSO-Trung tâm giống thủy sản cấp I với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng tọa lạc hoành tráng ngay ven quốc lộ 4B. Cái cơ ngơi đồ sộ ấy có quy mô hơn 4,5ha mặt nước, hệ thống 28 ao hồ và các phân khu chức năng như nhà sản xuất cá giống, nhà sản xuất thức ăn, văn phòng quản lý…năng lực sản xuất lên tới 100 triệu con cá bột và 40 triệu con cá giống/năm. Thủy sản Lạng Sơn đang dần trở lại thời vàng son.
Khai thác thủy sản tại Trung tâm giống cấp I Bản Ngà
Có những người hay hoài cổ, như ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Trung tâm thủy sản chẳng hạn. Tôi hay nghe câu chuyện từ cái ngày ông còn làm trong đội khai thác thủy sản. Ngày ấy, so với các tỉnh miền núi phía Bắc, thủy sản Lạng Sơn ở vị trí nhất nhì. Thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào nuôi trồng thuỷ sản ở Lạng Sơn được chú trọng và phát triển mạnh mẽ, kể cả trong khối quốc doanh, hợp tác xã và trong nhân dân. Thời kỳ này cơ quan chuyên ngành là Công ty thuỷ sản Lạng Sơn quản lý 12 trại cá giống bao gồm 1 trại cá giống cấp I và 11 trại cá giống cấp II phân bổ ở tất cả 11 huyện, thị xã với trên 200 cán bộ công nhân viên làm nhiệm vụ sản xuất cá giống và khai thác cá trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm Công ty sản xuất được trên 30 triệu con cá bột và cá hương giống các loại; cá thịt đạt từ 80-100 tấn/năm. Hầu hết các hồ chứa nước thuỷ lợi để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp đều được thả cá giống. Trong những năm 70-80, tại hồ Tam Hoa ở Hưng Vũ, Bắc Sơn, nhân dân đã kéo được mẻ lưới lớn nhất miền bắc thời bấy giờ với tổng trọng lượng tới 36 tấn. Đó là thời cực thịnh của thuỷ sản Lạng Sơn.
Hoạt động khai thác thủy sản
Thế rồi, khi các hợp tác xã tan rã, phong trào nuôi trồng thuỷ sản ở Lạng Sơn dần đi vào thoái trào, hầu như chỉ còn tồn tại nhỏ lẻ, phân tán. Các trại giống cấp II bị “xóa sổ”, trại giống cấp I xuống cấp trầm trọng, các đội khai thác không còn tồn tại. Trên 8,5 nghìn ha mặt nước các loại, trong đó hơn 1.200 ha có thể thả cá theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, ngoài ra còn khá nhiều diện tích ruộng chủ động nước có thể kết hợp mô hình một vụ cá xen một vụ lúa; hệ thống sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Khê có thể phát triển nuôi cá lồng, bè…tất cả những tiềm năng về phát triển thuỷ sản của Xứ Lạng gần như rơi vào quên lãng.
Khoảng lặng ấy kéo dài gần 20 năm trời, theo ước tính của Trung tâm thủy sản, mỗi năm nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng bị bỏ phí. Đến đầu năm 2000, trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai chiến lược đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh được chọn. Mặt khác, đến năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 43 về phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2004-2010. Ngay sau đó, năm 2005, tổ chức chuyên ngành về nuôi trồng thuỷ sản là Trung tâm thuỷ sản được thành lập và hàng loạt các cơ chế chính sách cho phát triển thuỷ sản của tỉnh được ban hành.
Khai thác thủy sản
Ngày 25/11/2007, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 100 và sau đó 1 tháng, UBND tỉnh có quyết định số 37 về chính sách trợ cước vận chuyển, trợ giá giống thuỷ sản giai đoạn 2007-2010. Đến đầu năm 2008, UBND tỉnh tiếp tục ban hành một quyết định quan trọng. Đó là Quyết định số 176 phê duyệt quy hoạch phát triển thuỷ sản Lạng Sơn đến năm 2010 và định hướng đến 2020. Các cơ chế chính sách ngay lập tức được các cấp, các ngành khẩn trương triển khai. Phong trào nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương có những bước phát triển mới. Nhiều địa phương như Bắc Sơn, Lộc Bình đã xây dựng kế hoạch nuôi trồng thuỷ sản và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; thị trấn Văn Quan đưa kế hoạch phát triển cá lồng vào nghị quyết Đảng bộ… Công tác chuyển giao KHKT đến người nuôi trồng thuỷ sản được chú trọng với hàng chục lớp tập huấn được tổ chức tại các địa phương. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng dần theo từng năm, năm 2011 toàn tỉnh đã có 1.000 ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất được 16 triệu con cá giống mỗi năm.Tại Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan… ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình về nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số các hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản đã ra đời như Tam Hoa (Bắc Sơn); Hợp Thịnh (Cao Lộc); Quan Bản (Lộc Bình)…Dự án tăng cường năng lực phát triển nuôi trồng thuỷ sản cộng đồng của Tây Ban Nha, Cộng hoà Séc được triển khai tại hợp tác xã Tam Hoa, Tân Việt, Hợp Thịnh đã đánh dấu một bước ngoặt mới, thuỷ sản Lạng Sơn đang trên con đường hợp tác quốc tế, nuôi trồng thuỷ sản an toàn. Các loại giống cá mới như cá hồi, cá tầm đã và đang được đưa vào nuôi trông thử nghiệm tại Văn Quan, Lộc Bình.
Các hạng mục ấp trứng và nuôi cá sinh sản đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng
Đầu năm 2011, Trung tâm giống thủy sản cấp I tại Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hoàn thành và đưa vào sử dụng là động lực mạnh mẽ để thủy sản Lạng Sơn tiếp tục có những bước phát triển mới.
Sớm xuân, Phó Giám đốc Trung tâm thủy sản Phạm Bá Biền đưa chúng tôi đi tham quan một vòng Trung tâm giống. Cái cơ ngơi đồ sộ ấy còn quá cả tưởng tượng của nhiều người, ông Biền bảo: có quay trở lại cái thời hoàng kim ngày trước thì cũng chẳng thể nào bằng như bây giờ, đời sống của công nhân trại giống giờ cũng khá, lương hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu sản xuất theo đúng năng lực thì hiện nay Lạng Sơn không những chủ động được cá giống, mà thừa khả năng cung cấp cho các tỉnh lân cận. Vượt qua cái quãng khó khăn, lận đận ấy, thủy sản Lạng Sơn đang phát huy tối đa những tiềm năng vốn có, vững vàng khẳng định vị thế của mình.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()