LSO-Một mặt đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, mặt khác chú trọng tới an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, mô hình nuôi cá thương phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản triển khai đang khởi đầu cho hướng đi mới của thủy sản Lạng Sơn. Mô hình nuôi cá an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của ông Hoàng Văn Vị (Co Măn, Mai Pha, TP Lạng Sơn)Gia đình ông Hoàng Văn Vị, thôn Co Măn, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn có diện tích mặt nước ao lên đến hơn 1.000m2, thế nhưng trước đây, gia đình ông chỉ thả một ít cá để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ông Vị cho biết: gia đình tôi chỉ nuôi cho vui là chính, bởi nếu để bán thì phải nuôi nhiều, nhưng nuôi cá đâu có dễ. Dù chỉ thả chút ít cá để đánh bắt dần, nhưng hầu như năm nào cá trong ao cũng bị chết, một mặt do thời tiết, một mặt do bệnh tật. Con lợn, con gà bị bệnh thì còn xem để biết được,...
LSO-Một mặt đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, mặt khác chú trọng tới an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, mô hình nuôi cá thương phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản triển khai đang khởi đầu cho hướng đi mới của thủy sản Lạng Sơn.
Mô hình nuôi cá an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm
của ông Hoàng Văn Vị (Co Măn, Mai Pha, TP Lạng Sơn)
Gia đình ông Hoàng Văn Vị, thôn Co Măn, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn có diện tích mặt nước ao lên đến hơn 1.000m2, thế nhưng trước đây, gia đình ông chỉ thả một ít cá để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ông Vị cho biết: gia đình tôi chỉ nuôi cho vui là chính, bởi nếu để bán thì phải nuôi nhiều, nhưng nuôi cá đâu có dễ. Dù chỉ thả chút ít cá để đánh bắt dần, nhưng hầu như năm nào cá trong ao cũng bị chết, một mặt do thời tiết, một mặt do bệnh tật. Con lợn, con gà bị bệnh thì còn xem để biết được, cá thì ở dưới nước, rất khó phát hiện. Câu chuyện này chẳng phải riêng đối với nhà ông Vị mà khá phổ biến, chính vì thế mà trong những năm qua, tuy có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, nhưng Lạng Sơn cũng chỉ tận dụng được một phần diện tích mặt nước hiện có. Trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản thương phẩm là không nhiều, đa phần nuôi thả quảng canh, tự cung tự cấp. Thêm một mặt hạn chế trong nuôi trồng thủy sản là do kỹ thuật còn hạn chế, nên nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt là rất lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường chung.
Theo ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, để có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, thì việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân là rất cần thiết. Giữa năm 2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp với Trung tâm thủy sản, Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn triển khai xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn xã Mai Pha. Nhiệm vụ cụ thể của dự án là hỗ trợ các hộ các hộ chăn nuôi về khoa học kỹ thuật và một phần vốn để sản xuất. Đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ an toàn dịch bệnh, môi trường, sản phẩm cá thịt an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao năng suất cá trên một đơn vị diện tích mặt nước.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Lạng Sơn triển khai chương trình này, từ năm 2009, Trung tâm thủy sản đã xây dựng một số mô hình thủy sản an toàn tại Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc. Những mô hình này đều phát triển rất tốt, hiệu quả mang lại hơn hẳn so với nuôi trồng truyền thống. Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm thủy sản khẳng định: trước khi triển khai mô hình, các hội gia đình chủ yếu nuôi cá để phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng khi triển khai, nhiều hội đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, nuôi cá thương phẩm với số lượng khá lớn. Tuy nhiên do hạn hẹp về kinh phí, nên từ năm 2009 đến nay chưa có thêm mô hình nào được xây dựng, chính vì thế mà nuôi trồng thủy sản an toàn vẫn chỉ ở trong phạm vi hẹp.
Trở lại với dự án nuôi trồng thủy sản an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản triển khai, đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012. Tuy kinh phí cho dự án không nhiều, chỉ ở mức 60 triệu đồng, nhưng ngành chức năng đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ có nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ về giống và 50% chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho 4 hộ tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích 5.000m2 mặt nước. Ông Hoàng Văn Vị hồ hởi: được dự án hỗ trợ, năm nay gia đình tôi cũng mạnh dạn đầu tư để nuôi gần 3.000 cá thịt các loại, áp dụng đúng kỹ thuật, nên cá phát triển rất tốt. Theo tính toán, thì chỉ cần năng suất cá thịt đạt 700kg/1.000m2 nuôi trồng, với giá bán trung bình là 50.000 đồng/kg, thì sau 6 tháng nuôi, nhà nông đã lãi hơn 12 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để có thể thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì việc triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn cần được triển khai trên quy mô rộng hơn, đồng thời cần có sự liên tục trong một giai đoạn nhất định, dựa vào quy hoạch phát triển thủy sản Lạng Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()