Thủy quân lục chiến Trung Quốc mạnh đến đâu?
Thủy quân lục chiến của Trung Quốc đã được đầu tư rất mạnh trong những thập kỉ gần đây, tuy nhiên sức mạnh thực sự của lực lượng này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Thủy quân lục chiến (PLANMC) là một thành phần quan trọng trong kế hoạch xây dựng quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Thủy quân lục chiến sẽ là một lực lượng tinh nhuệ có khả năng thực hiện các hoạt động đa nhiệm trên mọi phương diện, kể cả trong những trường hợp khẩn cấp.
Sự thành công hay thất bại trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào sự lớn mạnh của lực lượng này. PLANMC sẽ là lực lượng chính cho các nhiệm vụ viễn chinh và triển khai sức mạnh của Trung Quốc trong tương lai.
Tổ chức
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 1 được thành lập vào ngày 5/5/1980. Sau đó, vào năm 1998, Sư đoàn 164 của Hải quân Trung Quốc được tổ chức lại thành Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 2. Khi đó, PLANMC có hai lữ đoàn và khoảng 10.000 quân nhân trực thuộc Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Trung Quốc.
Trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ chính của PLANMC chỉ giới hạn ở các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Vào thời đó, PLANMC chủ yếu tham gia vào việc thiết lập và mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách chiếm giữ các đảo chưa có người chiếm đóng và bảo vệ những hòn đảo này khỏi các quốc gia mà Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông.
Đến tháng 4/2017, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã mở rộng lực lượng Thủy quân lục chiến từ hai lữ đoàn ban đầu lên sáu lữ đoàn. Các lữ đoàn mới này được chuyển giao từ lực lượng phòng thủ bờ biển, bộ binh cơ giới và một số lực lượng khác của quân đội Trung Quốc.
Biệt kích Thủy quân lục chiến PLA của Trung Quốc.
Ngoài ra, một Lữ đoàn tác chiến đặc biệt cũng được thành lập dựa trên đơn vị Biệt kích Giao Long, một lực lượng đặc biệt của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Một Lữ đoàn không quân vận hành trực thăng vận tải cũng được điều động vào lực lượng này. Điều này nâng tổng lực lượng PLANMC lên 8 lữ đoàn với khoảng 40.000 nhân viên.
Người ta ước tính rằng PLANMC sẽ được mở rộng lên 100.000 người trong tương lai. Điều quan trọng là trong số năm nhánh của PLAN (Lực lượng mặt nước, Lực lượng tàu ngầm, Lực lượng không quân hải quân, Lực lượng phòng thủ ven biển và Thủy quân lục chiến) thì chỉ có PLANMC có trụ sở chỉ huy riêng.
Mặc dù PLANMC trực thuộc PLAN, nhưng việc PLANMC được phép có trụ sở riêng cho thấy rằng về lâu dài, PLANMC có thể là một lực lượng hoạt động độc lập giống như Thủy quân lục chiến Mỹ.
Vai trò và nhiệm vụ
Động cơ chính trong việc thành lập PLANMC là nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp như Đài Loan, quần đảo Senkaku và các đảo ở Biển Đông. Điều này sẽ trực tiếp phá vỡ “Chuỗi đảo thứ nhất”, vốn hạn chế phạm vi hoạt động của PLAN và kiềm chế Trung Quốc.
Nhiệm vụ tiếp theo của PLANMC sẽ là bảo vệ các hòn đảo mà họ đã chiếm giữ và giành quyền kiểm soát những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Vai trò này sẽ trở nên quan trọng hơn khi PLANMC mở rộng khả năng đổ bộ của mình.
Bất cứ khi nào Trung Quốc quyết định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, họ sẽ sử dụng PLANMC làm mũi nhọn để thực hiện cuộc tấn công đổ bộ cùng với tất cả các lực lượng hải quân, tên lửa và không quân khác của mình. Để sáp nhập Đài Loan, lực lượng đầu tiên đổ bộ trên thực địa sẽ là PLANMC.
Các binh sĩ của Thủy quân lục chiến Quân đội Giải phóng Nhân dân tại một cơ sở huấn luyện ở Bayingol, thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc, năm 2016.
PLA cũng đang tăng cường khả năng viễn chinh để bảo vệ “lợi ích ở nước ngoài” của Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu đó, PLANMC đang được huấn luyện và tổ chức để thực hiện các sứ mệnh viễn chinh ở những khu vực xa lục địa Trung Quốc.
PLANMC được kỳ vọng sẽ bảo vệ lợi ích hải ngoại của Trung Quốc trên thế giới khỏi những bất ổn, điều này bao gồm các hoạt động chống khủng bố và cướp biển. Hiện tại, các tàu của PLAN đang tiến hành các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, Biển Đỏ. Ngoài ra, các đơn vị PLANMC đã đóng quân tại căn cứ ở Djibouti từ năm 2017.
Trong những năm gần đây, đơn vị tác chiến đặc biệt của Thủy quân lục chiến Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện ở sa mạc, vùng cao nguyên lạnh giá và địa hình rừng rậm. Việc đào tạo như vậy cho thấy PLANMC có thể thực hiện các hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. PLANMC có thể sẽ đóng một vai trò thiết yếu cùng với Lực lượng Hỗ trợ chiến lược (PLASSF) và Lực lượng tên lửa (PLARF) trong việc triển khai sức mạnh thông qua các vai trò viễn chinh.
Thành phần
Sáu lữ đoàn Thủy quân lục chiến sẽ là các đơn vị vũ trang kết hợp đổ bộ. Họ được trang bị xe tấn công đổ bộ thay vì xe tăng hoặc xe chiến đấu bộ binh (IFV)/xe bọc thép chở quân (APC). Mỗi lữ đoàn có thể sẽ có khoảng 5.000 quân nhân và hơn 400 phương tiện. Mỗi lữ đoàn vũ khí phối hợp đổ bộ dự kiến sẽ bao gồm những thành phần sau:
Bốn tiểu đoàn vũ trang tổng hợp, mỗi tiểu đoàn có hai đại đội trang bị xe tấn công đổ bộ, hai đại đội bộ binh cơ giới, một đại đội hỏa lực (súng cối và hệ thống phòng không cầm tay MANPAD) và một đại đội hỗ trợ dịch vụ (với các trung đội trinh sát và công binh). Một tiểu đoàn vũ trang tổng hợp đổ bộ có khoảng 80 xe các loại và ước tính khoảng 500-600 binh sĩ.
Một tiểu đoàn trinh sát có xe trinh sát đổ bộ, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống trinh sát kỹ thuật. Một tiểu đoàn pháo binh có pháo tự hành lội nước 122 mm, bệ phóng tên lửa bánh xích 122 mm và hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng. Một tiểu đoàn phòng không với hệ thống pháo phòng không bánh xích, hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn và MANPADS.
Một tiểu đoàn hỗ trợ hoạt động với các phương tiện chỉ huy và điều khiển, hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị kỹ thuật, hệ thống phòng thủ hóa học và các yếu tố an ninh. Một tiểu đoàn hỗ trợ dịch vụ với các đơn vị tiếp tế, y tế, sửa chữa và bảo trì.
Lữ đoàn tác chiến đặc biệt có khoảng 3.000 nhân viên. Tổ chức chi tiết của nó vẫn chưa rõ ràng. Lữ đoàn không quân là sự bổ sung quan trọng cho PLANMC. Nó tăng cường khả năng cơ động trên không cho PLANMC. Lữ đoàn không quân được kỳ vọng là “lực lượng đi đầu tiến sâu từ biển vào bờ” và là “lực lượng cơ động chiến lược”.
PLANMC đang được trang bị các thiết bị tiên tiến. Điều này bao gồm các tàu chở quân đổ bộ hạng nhẹ, xe tăng và pháo binh. PLANMC cũng được trang bị các tàu đổ bộ có khả năng chở các phương tiện chiến đấu đổ bộ và các phương tiện khác vào khu vực chiến đấu.
Các xe bọc thép lội nước của một lữ đoàn thuộc Thủy quân lục chiến PLA tiến tới vùng biển huấn luyện được thiết kế trong cuộc tập trận hàng hải vào ngày 13/3/2022.
Khả năng sẵn sàng chiến đấu
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc đang bắt chước Mỹ trong việc xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến của mình. Vì vậy vẫn còn rất nhiều khó khăn mà Trung Quốc phải giải quyết trong tương lai.
Bốn lữ đoàn mới thành lập sẽ mất nhiều thời gian để phát huy hết hiệu quả trong việc thực hiện các hoạt động đổ bộ. Bởi các hoạt động này đòi hỏi nhiều kỹ năng cũng như khả năng chỉ huy và tác chiến phức tạp, sự hiệp đồng giữa các lực lượng trên biển, trên bộ và trên không. Mặc dù về mặt tổ chức đã hoàn thiện và đã được cung cấp nhân lực nhưng các đơn vị này vẫn chưa được đào tạo hoặc trang bị đầy đủ cho các nhiệm vụ dự kiến.
Một nhược điểm đáng kể của lực lượng này là thiếu phi công trực thăng và máy bay trực thăng hỗ trợ. Theo các báo cáo được tiết lộ, Hải quân PLA đang gặp khó khăn do thiếu các sĩ quan có khả năng chỉ huy các tàu chiến. Điều này cũng diễn ra tương tự trên các tàu đổ bộ của Trung Quốc, nhược điểm này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các hoạt động của lực lượng thủy quân lục chiến.
Sẽ còn nhiều vấn đề nữa liên quan đến năng lực lãnh đạo, khả năng chỉ huy, nguồn nhân lực chất lượng cao. Những vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong thời gian nhắn. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế của binh sĩ PLA cũng là một trở ngại trong việc xây dựng lực lượng PLANMC.
Trên lý thuyết, PLANMC có vẻ là một lực lượng đáng gờm. Các nhiệm vụ mà họ thực hiện sẽ liên quan đến việc sử dụng các hệ thống không người lái (trên không, trên mặt đất, trên mặt nước và dưới nước), các hoạt động liên quan đến hỏa lực chính xác tầm xa thông qua các nền tảng khác nhau trong môi trường thông tin hóa.
Những nhiệm vụ phức tạp này cần một cách tiếp cận linh hoạt và phong cách lãnh đạo sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, các sĩ quan PLA khá cứng nhắc trong chỉ huy do mang tư tưởng chính trị sâu sắc.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của PLA trong các nhiệm vụ của Liên hợp quốc chưa đạt hiệu quả cao. Có rất nhiều báo cáo chỉ ra rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc đã vứt bỏ vũ khí và bỏ chạy trong khi làm nhiệm vụ. Vì vậy, ngay cả khi được trang bị đầy đủ, thì khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLANMC vẫn là một vấn đề đáng nghi ngờ.
Nguồn:https://vtc.vn/thuy-quan-luc-chien-trung-quoc-manh-den-dau-ar848393.html
Theo vtc.vn
Ý kiến ()