Thuỵ Hùng theo Đảng
- Nằm giữa tỉnh lỵ Lạng Sơn với phố chợ Kỳ Lừa tấp nập và thị trấn biên giới Đồng Đăng sôi động, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc vẫn giữ được nét mộc mạc của vùng thôn quê miền núi. Hằng năm, những người con xa quê của Thụy Hùng vẫn nhớ và trở về vào ngày mùng Bảy tháng Giêng âm lịch, ngày hội đình Háng Pài. Ngôi đình linh thiêng ấy là nơi chứng kiến sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, từng bước âm mưu biến nước ta thành thuộc địa. Từ năm 1861, sau khi hoàn thành việc bình định xong các tỉnh Bắc Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy đô hộ ở các tỉnh, thành trong đó có Lạng Sơn. Hưởng ứng các phong trào yêu nước, ở Lạng Sơn các hoạt động cách mạng từng bước được hình thành. Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri là những người con tiên phong của quê hương Lạng Sơn đã tìm đến với các tổ chức cách mạng ở hải ngoại, tham gia hoạt động cách mạng ở nước ngoài đồng thời tìm cách gây dựng phong trào cách mạng ở trong nước. Đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ tiếp tục tăng cường chỉ đạo phát triển rộng khắp phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ, từ những cơ sở cách mạng ban đầu, đến giữa năm 1933, phong trào cách mạng phát triển sang khu vực các xã Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá... Thực hiện chủ trương của ban lãnh đạo Trung ương Đảng ở hải ngoại về việc xây dựng cơ sở Đảng để làm nòng cốt chỉ đạo, thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước phát triển, tại tỉnh Lạng Sơn, Thuỵ Hùng đã được chọn là nơi đầu tiên "gieo hạt giống đỏ". Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tới đình Háng Pài, thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là huyện Cao Lộc) tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên. Chi bộ Thụy Hùng đảm nhiệm vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.
Ngược thời gian trở về quá khứ, Văn Uyên là một châu miền núi biên giới phía Bắc có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Lạng Sơn và cả nước, là cửa ngõ thông thương giữa nước ta và Trung Quốc. Dưới thời Nguyễn, cùng với phủ Trường Khánh, châu Văn Uyên, châu Ôn, Thất Tuyền, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan hợp thành bảy châu và một phủ của tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, ngay từ buổi đầu xây dựng nhà nước trung ương tập quyền, các vị vua triều Lý - Trần đã thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam bằng việc phong tước, chọn phò mã trong các tộc trưởng có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số. Thời Lê thế kỷ XV, sau khi đánh thắng giặc Minh, bờ cõi lãnh thổ toàn vẹn, vua Lê Thái Tổ vẫn lo củng cố biên thùy: “Phương lược biên cương trù liệu trước/ Nước yên dân định kế lâu dài.” Với tinh thần như vậy vua Lê đã cho dòng họ Nguyễn Đình nối đời cai trị tại châu Văn Uyên. Trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, các thế lực họ Mạc, Lê, Trịnh phát triển lên khu vực miền núi, trong đó có Văn Uyên. Một số không nhỏ người Kinh định cư lâu dài ở khu vực này và dần bị Tày hóa. Đến đầu thời Nguyễn, người Kinh ở miền xuôi lên Văn Uyên ngày càng nhiều. Họ có thể là người dân nghèo lên miền núi mưu sinh, là người thân, họ hàng của quan quân của triều đình phong kiến, thầy địa lý hoặc người buôn bán. Quá trình di cư của người Kinh đến châu Văn Uyên diễn ra liên tục trong lịch sử, có lúc lẻ tẻ, có lúc ồ ạt, qua nhiều đời, họ hòa nhập vào cộng đồng Tày bản địa, trở thành những người Tày gốc Kinh trong dân tộc Tày.
Trong cộng đồng dân cư cố kết nên bởi những biến thiên của lịch sử ấy, có một gia đình nhỏ làng Còn Pheo (xã Thụy Hùng) sinh được bốn cô con gái. Cô con gái cả tên là Triệu Thị Lạng (sinh năm 1940) là người con hiếu học, được người cha hết mực yêu thương và kỳ vọng. Học hết lớp bốn trường làng, Triệu Thị Lạng được cha cho theo học phổ thông ở trường thị xã cách nhà chín cây số. Học xong lớp sáu, cô bé Lạng được chọn cử đi học trường Sư phạm Trung ương (hệ 7 + 1). Trong quãng thời gian học ở Hà Nội, năm 1957, Triệu Thị Lạng cùng các bạn lớp Sư phạm miền núi vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm trường. Bác đã trò chuyện rất lâu với các học trò miền núi, Bác dặn: “Đồng bào ta còn rất nhiều người chưa biết chữ, các cháu về địa phương công tác, sẽ phải đảm đương nhiệm vụ dạy học cho nhiều độ tuổi, từ các cháu thiếu nhiên, nhi đồng, đến thanh niên, người lớn và cả người già…”. Đinh ninh lời dạy của Bác Hồ, cả cuộc đời mình, bà Triệu Thị Lạng cần mẫn một nhiệm vụ duy nhất, đó là dạy học. Tổ chức phân công bà đi dạy học ở nhiều trường trong huyện, bà đều nghiêm túc chấp hành, mặc dù đó là quãng thời gian nuôi con nhỏ, rất vất vả, khó khăn. Mười năm trước khi nghỉ hưu, bà được về dạy học ở Còn Pheo quê nhà theo nguyện vọng. Lớp học khi ấy chính là ngôi đình Háng Pài với mái ngói còn khá vẹn nguyên, vách thưng bằng ván gỗ.
Thụy Hùng là địa bàn hoạt động của nhiều người yêu nước từ thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX. Cách trụ sở UBND xã Thụy Hùng chưa tới một cây số, nằm ngay trên trục đường 234 là di tích lịch sử Ga Tam Lung. Từ năm 1928, ga Tam Lung thuộc xã Thụy Hùng là trạm bí mật đón tiếp những thanh niên yêu nước đi lại hoạt động ở vùng biên giới (trong đó có người sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng). Suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, ga Tam Lung ghi nhiều dấu ấn lịch sử, nhiều trận chiến đấu quyết liệt bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã diễn ra tại địa điểm này. Năm 2002, di tích Ga Tam Lung đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Thụy Hùng cũng là quê hương của đồng chí Đoàn Viết Thọ, một nhà cách mạng hoạt động cùng thời với Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri và là một trong những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Ông cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ được Đảng giao nhiệm vụ gây dựng phong trào cách mạng ở Thụy Hùng và được ủy nhiệm tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng. Ông Đoàn Viết Thọ cùng vợ là bà Chu Thị Lương, một người đồng chí, đồng đội (người ở thị trấn Long Châu, Trung Quốc), đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Sau này, ông Đoàn Viết Thọ là Trưởng Ty Thủy sản Lạng Sơn. Ông và bà sống tại Còn Pheo (Thụy Hùng) cho tới những năm tháng cuối đời.
Thụy Hùng hiện có hơn một nghìn hộ dân, chủ yếu là các hộ dân sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, trong thời kỳ bao cấp và những năm đầu thời kỳ “mở cửa”, Thụy Hùng rất khó khăn do phần đa người dân chạy theo cơn lốc thì trường, bỏ ruộng đồng hoang vu để đi buôn lậu, đi làm thuê trên cửa khẩu. Chính quyền xã, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể đã phải vào cuộc hết sức nỗ lực để người dân về với ruộng đồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Kết quả là niềm vui chung: xã Thụy Hung được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới với những con số “biết nói”: 100% tuyến đường trục xã, 96,5% tuyến đường trục thôn và 85,4% tuyến đường ngõ, xóm được bê tông hóa; 99,9% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; các công trình trường học, nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng đảm bảo đúng quy định; cảnh quan đường làng, ngõ xóm được giữ gìn xanh, sạch, đẹp… Chia sẻ niềm vui này với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lý Hồng Quân giãi bày “Thu nhập thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt xấp xỉ 40 triệu đồng là thành quả của việc từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Thành tích này là cơ sở để từng bước xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao…”
Trong khuôn viên phân trường Tiểu học xã Thụy Hùng còn rải rác những chân đá tảng kê cột đình xưa. Lư hương vẫn còn đỏ lửa. Hình ảnh ngôi đình Háng Pài vẫn hiển hiện đâu đây thật là gần gũi. Bà giáo già phơ phơ tóc bạc, ôm trên tay tấm ảnh lưu niệm Bác Hồ với những nữ học viên của lớp Sư phạm miền núi. Bà chỉ vào từng gương mặt thân quen “Lớp ngoài tôi ra thì còn ba bạn nữ người Lạng Sơn, đây là Biền ở Tràng Định, đây là Xuyên ở Cao Lộc, đây là Vương ở Văn Lãng. Từ khi ra trường đến nay, chúng tôi chưa một lần gặp lại, không biết ai còn, ai mất…”. Tôi nhìn vào bức ảnh, thấy sáng ngời những khuôn mặt thanh xuân tuổi mười bảy, đôi mươi vây quanh vị Cha già dân tộc, tươi rói miệng cười.
Cuộc đời hoạt động cách mạng, thầm lặng cống hiến của những người con như ông Đoàn Viết Thọ, như bà Triệu Thị Lạng và nhiều thế hệ người dân Thụy Hùng là một minh chứng về tấm lòng trung trinh với Đảng. Thụy Hùng một lòng theo Đảng từ khi ngọn lửa cách mạng được thắp lên ở đình Háng Pài cách nay đã gần một thế kỷ. Để ngày hôm nay, chúng tôi đi giữa Thụy Hùng, đường làng ngõ xóm phong quang, đất đai phủ một màu xanh bình yên. Thấp thoáng xa xa, rực trên những nóc nhà là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay.
Ý kiến ()