Thụy Ðiển, người bạn chung thủy và gắn bó với nhân dân Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Ðiển, chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp nhiều mặt mấy chục năm qua giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đó không những phát triển mạnh từ những năm 60, mà đã bắt nguồn từ những năm 20 của thế kỷ trước. Trong những năm tháng nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Thụy Ðiển từng dấy lên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Phong trào của nhân dân Thụy Ðiển phản đối chiến tranh, đòi lập lại hòa bình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược bùng lên mạnh mẽ từ những năm 60 của thế kỷ 20. Khi đế quốc Mỹ đưa quân xâm lược Việt Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền bắc, cùng với nhân dân thế giới, nhân dân Thụy Ðiển đã rầm rộ xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Thủ tướng Thụy Ðiển lúc bấy giờ đã cực lực lên án đế quốc Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972. Ngoài ủng hộ về tinh thần, nhân dân Thụy Ðiển còn quyên góp tiền của ủng hộ nhân dân Việt Nam. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam càng lên cao, thu hút hàng triệu người dân Thụy Ðiển xuống đường phản đối chiến tranh. Thụy Ðiển là nước phương Tây đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao đổi Ðại sứ và thành lập Ðại sứ quán ở Hà Nội.
Cùng với sự quyên góp ủng hộ nhân dân ta của nhân dân Thụy Ðiển, Chính phủ Thụy Ðiển đề ra chương trình viện trợ tái thiết Việt Nam sau chiến tranh. Nguồn viện trợ của Thụy Ðiển tập trung vào các lĩnh vực nhân đạo, như y tế, giáo dục. Bệnh viện Bạch Mai là mục tiêu đánh phá của Mỹ đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, nhiều dự án lớn do Chính phủ Thụy Ðiển tài trợ giúp Việt Nam được triển khai, như Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Hà Nội (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương), Bệnh viện Ða khoa Uông Bí… Thụy Ðiển đã dành ưu tiên viện trợ giúp Việt Nam và nước ta trở thành một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Thụy Ðiển sau năm 1975. Những công trình này đã và đang hoạt động hiệu quả và trở thành biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc.
Ðiều được dư luận đánh giá cao là Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển ủng hộ Việt Nam trong những thời điểm cam go nhất. Mặc dù Thụy Ðiển cách xa Việt Nam hàng vạn dặm, nhưng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước của nhân dân ta toàn thắng vào ngày 30-4-1975, hàng trăm nghìn người dân Thụy Ðiển đã đổ ra đường ăn mừng và biến ngày 1-5-1975 thành Ngày hội của Chiến thắng. Sau khi giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, nhân dân và Chính phủ Thụy Ðiển vẫn một lòng dành cho nhân dân ta sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn.
Thụy Ðiển là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất giúp Việt Nam. Số tiền mà Chính phủ Thụy Ðiển viện trợ không hoàn lại trực tiếp giúp Việt Nam đến nay lên tới hơn ba tỷ USD, đó là chưa tính các khoản viện trợ thông qua các kênh đa phương, các tổ chức từ thiện và các khoản viện trợ nhân đạo khắc phục thiên tai trong hàng chục năm qua. Chính phủ và nhân dân ta đánh giá cao và luôn biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, vô tư và có hiệu quả cao đó. Sự hỗ trợ và giúp đỡ của Thụy Ðiển đối với công cuộc đổi mới đã góp phần không nhỏ giúp nước ta vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Ngày nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển; hợp tác về khoa học, giáo dục, y tế, môi trường… được đẩy mạnh và không ngừng đơm hoa kết trái. Kim ngạch thương mại hai chiều ngày một tăng, năm 2012 kim ngạch buôn bán song phương đạt 915 triệu USD và năm 2013 đạt hơn một tỷ USD. Về mặt chính trị và ngoại giao, ngoài những chuyến thăm của đại diện các bộ, ngành, giới doanh nghiệp, học giả… hai nước thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao.
Ðối với nhân dân Việt Nam, nhân dân và Chính phủ Thụy Ðiển luôn luôn là người bạn thủy chung và tin cậy. Quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước được đánh giá là tấm gương điển hình của quan hệ hợp tác Bắc – Nam trong thời đại mới. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sẽ trường tồn và phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()