Thủy điện Lai Châu trước ngày ngăn sông
Hàn cốt-pha phục vụ công tác đổ bê-tông cống dẫn dòng. Ảnh: TRẦN HẢI Theo kế hoạch, ngày 20-4 là thời điểm ngăn sông, một trong những mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu. Để hoàn thành khối lượng thi công, bảo đảm tiến độ cho công tác ngăn sông trước mùa lũ năm 2012 là cả một quá trình nỗ lực hết mình của các đơn vị thi công trên công trường, thể hiện ý chí, bản lĩnh của người thợ Việt Nam.Ý chí quyết tâm từ người thợVừa đặt chân đến công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu, bầu không khí sôi động đã thôi thúc chúng tôi đến ngay các vị trí đang được các đơn vị thi công trên công trường. Kỹ sư Phòng kỹ thuật thi công an toàn thuộc Ban Điều hành dự án Thủy điện Lai Châu Lê Đình Thao cho biết, hiện tại, các đơn vị đang tập trung thi công hệ thống cống dẫn dòng và đê quai thượng lưu, hạ lưu. Tính đến thời điểm này, trên công trường có gần 4.000 người cùng nhiều thiết bị thi công đào, đắp đất...
Hàn cốt-pha phục vụ công tác đổ bê-tông cống dẫn dòng. Ảnh: TRẦN HẢI |
Ý chí quyết tâm từ người thợ
Vừa đặt chân đến công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu, bầu không khí sôi động đã thôi thúc chúng tôi đến ngay các vị trí đang được các đơn vị thi công trên công trường. Kỹ sư Phòng kỹ thuật thi công an toàn thuộc Ban Điều hành dự án Thủy điện Lai Châu Lê Đình Thao cho biết, hiện tại, các đơn vị đang tập trung thi công hệ thống cống dẫn dòng và đê quai thượng lưu, hạ lưu. Tính đến thời điểm này, trên công trường có gần 4.000 người cùng nhiều thiết bị thi công đào, đắp đất đá, trong đó có 56 máy đào, 28 máy khoan và 250 ô-tô, đáp ứng năng lực thi công khoảng
900 nghìn m3 đất, đá/tháng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã xây dựng ba trạm trộn bê-tông thường CVC, ba trạm nghiền, trong đó trạm công suất lớn nhất là 350 nghìn m3/năm, 20 cần trục, tám máy bơm bê-tông, 23 xe ô-tô chuyển trộn hoạt động, đủ đáp ứng công tác đổ bê-tông kênh cống dẫn dòng. Đến nay, khối lượng thi công bê-tông kết cấu đạt khoảng 143/162 nghìn m3, bảo đảm mục tiêu chống lũ và vượt điều kiện của thiết kế tối thiểu để ngăn sông. Đứng tại vị trí thi công cống dẫn dòng nhìn lên hộp cống cao khoảng 40 m, hàng chục công nhân vẫn miệt mài thi công trên những chiếc thang công vụ cheo leo. Phía dưới, các lớp cốt-pha bê-tông tua tủa sắt thép cùng hàng chục xe chuyển trộn bê-tông nhộn nhịp qua lại, cần mẫn đổ từng khối bê-tông hoàn thiện hệ thống cống dẫn dòng. Vòng sang phía bờ phải, hệ thống kênh dẫn nước đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị đang tập trung hoàn thiện và đổ bê-tông gia cố mái kênh. Với chiều dài cống dẫn dòng khoảng 700 m, trong điều kiện thi công gấp rút và mặt bằng chật hẹp, có thể nói để bảo đảm tiến độ ngăn sông quả là một kỳ tích của các đơn vị thi công trên công trường.
Đường lên mỏ đá 1B đã được cải thiện nhiều so với nửa năm trước. Hệ thống đường phục vụ thi công đã cơ bản hoàn thành. Phần bóc phủ mỏ đã kết thúc với khối lượng gần 4 triệu m3 và bắt đầu khai thác đá thành phẩm, đến nay đã khai thác được khoảng 200 nghìn m3/4 triệu m3 theo thiết kế. Một trong những đường găng tiến độ hiện nay là lắp đặt cửa van cống dẫn dòng. Hệ thống này theo thiết kế nặng khoảng 700 tấn và được các đơn vị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) lắp đặt. Ngay giữa tiếng ầm ầm đặc trưng của công trường, anh Đoàn Duy Hiền, thợ bậc 7/7 lái máy cẩu thuộc Lilama 10 cho biết, tính đến thời điểm này, các đơn vị của Lilama đã có mặt tại công trường Thủy điện Lai Châu với số lượng khoảng hơn 100 người, đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Công việc tiếp theo là chuẩn bị thử khô van cống, bảo đảm sẵn sàng cho công tác ngăn sông đợt 1 vào ngày 20-4 tới.
Chúng tôi quay lại công trường vào thời điểm bắt đầu ca ba (từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau). Những ánh đèn hàn vẫn sáng rực trong đêm, ca ba vẫn được bố trí đầy đủ nhân lực và xe máy. Giữa âm thanh tiếng máy cắt chói tai, anh Nguyễn Bá Thản, công nhân Xí nghiệp 604, Công ty Sông Đà 5 tâm sự: “Để kịp tiến độ công trình, là những công nhân trẻ, chúng tôi luôn tâm nguyện làm việc hết sức. Đây là thời gian cao điểm thi công cho nên anh em đều nỗ lực hết mình để bảo đảm đúng tiến độ công việc, góp phần cho tiến độ chung của công trình”. Đội trưởng đội thi công thuộc Sông Đà 7 Phạm Quang Hoan cho biết, toàn đội đều tập trung cao độ cho công việc, bảo đảm tiến độ công việc được giao hằng ngày. Vấn đề thi công bảo đảm an toàn được quán triệt sâu sắc từ cấp lãnh đạo đến đội ngũ kỹ sư thi công, nhất là từ đồng chí Tổng Giám đốc, nên công việc đến nay đều hoàn thành tốt.
Không để khó khăn làm nản bước
Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án Lương Chí Nam cho biết, theo dự kiến, tiến độ ngăn sông là 20-4, thì đến nay các khối lượng công việc cho công tác ngăn sông đã cơ bản hoàn thành và đang tập trung cho các công việc hoàn thiện và xử lý việc sụt sạt tại khu vực bờ phải đầu cống dẫn dòng ngoài thiết kế đang đợi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phê duyệt để tiến hành ngăn sông. Còn đối với công tác chống lũ của năm 2012, đã đắp đê quai thượng lưu đến cao độ 229 m, đê quai hạ lưu thấp hơn khoảng 1,5 m, tương đương khoảng 900 nghìn m3. Còn khoảng 40 ngày nữa đến thời điểm chống lũ (31-5), tất cả các khối lượng sẽ hoàn thành, bảo đảm cho an toàn trong dịp mùa mưa lũ năm nay. Hiện nay, thời điểm khó khăn nhất đã vượt qua, chỉ còn một số vướng mắc trên công trình do đặc thù của công trình này là giao thầu vừa làm vừa thiết kế nên thiết kế thường chậm hơn thi công dẫn đến các đơn vị thi công khá bị động. Vì vậy, công việc thường xuyên bị dồn, hầu hết các hạng mục thi công đều trong đường găng tiến độ. Các đơn vị thi công thường phải huy động lực lượng từ nhiều nơi để bảo đảm tiến độ. Thực tế thi công tại công trường cho thấy các vấn đề về thi công được giải quyết nhanh chóng, hợp lý nhưng công tác nghiệm thu, thanh toán, nhất là các phần việc phát sinh rất khó khăn. Tuy nhiên, các nhà thầu đều đặt tiến độ, chất lượng lên hàng đầu, hiệu quả kinh tế có thể xem xét sau. Bên cạnh đó, khó khăn chung của các doanh nghiệp xây lắp hiện nay là về vốn nên hầu hết các đơn vị cũng đã lường trước được điều này, vì vậy tiến độ thi công vẫn được bảo đảm.
Đặc thù thi công tại Thủy điện Lai Châu có nhiều điểm khác biệt so với thi công các nhà máy thủy điện khác vì vừa phải chịu tác động của mùa lũ vừa chịu ảnh hưởng mực nước dâng của Thủy điện Sơn La. Giám đốc Ban Điều hành Nguyễn Văn Tiến tâm sự: Đối với Thủy điện Lai Châu, thời điểm chống lũ diễn ra vào 20-4, trong khi các thủy điện khác thường diễn ra vào khoảng tháng 11, 12 hằng năm. Nếu cuối năm ngoái, công trường chỉ là những đống đất đá hỗn độn, chưa định hình và đầy bùn đất thì đến nay, theo Đặc phái viên Chính phủ tại Thủy điện Lai Châu Thái Phụng Nê, có thể khẳng định cơ hội ngăn sông đã nắm chắc trong tay. Thời điểm giải ngân vào tháng 10 năm ngoái rất có ý nghĩa, giúp các nhà thầu tập trung được nguồn lực kịp tiến độ ngăn sông. Cao điểm các đơn vị thi công đã đổ khoảng 35 nghìn m3 bê-tông/tháng, năng suất cao nhất trên các công trường từ trước đến nay. Tuy nhiên cửa ải quan trọng tiếp theo vẫn còn trước mắt do chỉ còn 40 ngày nữa là đến thời điểm chống lũ 31-5, khối lượng đắp đê quai ngăn sông phải đẩy nhanh để đạt khối lượng khoảng 700 nghìn m3. Vượt qua được mốc 31-5, vấn đề “trị thủy” mới được bảo đảm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()