Thủy điện Cửa Ðạt, sự kết hợp hiệu quả trong khai thác công trình thủy lợi
Cách TP Thanh Hóa khoảng 70 km về phía tây, hồ thủy lợi Cửa Đạt có dung tích hữu ích 1,3 tỷ m3 đã tích nước đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2009.Không chỉ góp phần giảm lũ trên sông Chu, điều tiết nước tưới cho 50 nghìn ha qua hệ thống thủy lợi Bái Thượng, cung cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho đô thị, nhân dân các địa phương, đẩy nước mặn đang có xu hướng xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Mã, sông Chu, hồ thủy lợi Cửa Đạt còn tạo nguồn sinh thủy dồi dào cho việc vận hành Nhà máy thủy điện Cửa Đạt công suất 97 MW.Theo kết quả khảo sát, lưu vực sông Chu có khả năng khai thác khoảng 150 MW điện năng. Tiềm năng thủy điện đã được nhìn thấy từ lâu nhưng cũng phải tới khi triển khai xây dựng công trình thủy lợi đầu mối Cửa Đạt, ý tưởng khai thác công trình thủy lợi này để làm thủy điện mới được hình thành. Ngay khi trúng thầu thi công công trình hồ thủy lợi Cửa Đạt, tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu tham gia...
Không chỉ góp phần giảm lũ trên sông Chu, điều tiết nước tưới cho 50 nghìn ha qua hệ thống thủy lợi Bái Thượng, cung cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho đô thị, nhân dân các địa phương, đẩy nước mặn đang có xu hướng xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Mã, sông Chu, hồ thủy lợi Cửa Đạt còn tạo nguồn sinh thủy dồi dào cho việc vận hành Nhà máy thủy điện Cửa Đạt công suất 97 MW.
Theo kết quả khảo sát, lưu vực sông Chu có khả năng khai thác khoảng 150 MW điện năng. Tiềm năng thủy điện đã được nhìn thấy từ lâu nhưng cũng phải tới khi triển khai xây dựng công trình thủy lợi đầu mối Cửa Đạt, ý tưởng khai thác công trình thủy lợi này để làm thủy điện mới được hình thành. Ngay khi trúng thầu thi công công trình hồ thủy lợi Cửa Đạt, tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu tham gia xây dựng công trình đã mời Tư vấn điện I khảo sát, lập dự án thành phần trình Chính phủ phê duyệt và được đồng ý cho đồng thời triển khai dự án thủy điện Cửa Đạt.
Thủy điện Cửa Đạt có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 2-2004 do các đơn vị Vinaconex, Sông Đà, Xây lắp thủy lợi 4, Cơ điện và thủy lợi Việt Nam cùng góp vốn thực hiện, trong đó Vinaconex chiếm 51% vốn và nắm giữ cổ phần chi phối. Cùng với việc bảo đảm tiến độ thi công công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt, liên doanh các nhà thầu xúc tiến việc lựa chọn công nghệ, thiết bị thủy điện đạt tiêu chuẩn châu Âu và các nước G7, triển khai lắp đặt theo kế hoạch cũng như khẩn trương hoàn tất việc thi công đường dây truyền dẫn, hòa vào lưới điện quốc gia ở trạm điện ngã ba Chè (Thiệu Hóa) và bổ sung một phần nguồn điện cho trạm điện huyện Thọ Xuân. Đúng dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Bác Hồ (19-5-2010) tổ máy số 1, rồi tổ máy số 2, công trình thủy điện Cửa Đạt hòa lưới điện quốc gia.
Dẫn chúng tôi tham quan quy trình sản xuất, Trưởng Ban an toàn Nhà máy thủy điện Cửa Đạt Nguyễn Đình Hà, cho biết: Hơn tháng qua, nhà máy vận hành liên tục 24 giờ/ngày. Cán bộ, công nhân viên thay nhau trực ca nhưng hằng tháng mỗi công nhân chỉ làm việc 18 ngày, còn dành thời gian cho việc học tập, nghỉ ngơi và các tổ máy phải duy trì chế độ bảo dưỡng định kỳ. Phát triển năng lượng vốn là hướng đi mới của Vinaconex nên doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn công nghệ, thực hành tiết kiệm, khuyến khích cán bộ, công nhân viên tự học tập, bồi dưỡng và thường xuyên tổ chức các buổi học tập theo chuyên đề, tạo điều kiện cho đội ngũ người lao động nắm vững kiến thức, làm chủ công nghệ để vận hành, khai thác điện năng. Nhà máy thủy điện Cửa Đạt đang khai thác hơn 80% công suất thiết kế, trung bình mỗi ngày cung ứng 1,7- 1,8 triệu kW giờ điện, đạt doanh thu hơn một tỷ đồng. Đang giai đoạn chạy thử, ưu tiên tích nước thử tải đập chính nên nhà máy dần giảm công suất khai thác xuống còn khoảng 1 triệu kW giờ/ngày. Tuy vậy, đến giữa tháng 11, sản lượng điện đã đạt 143 triệu kW giờ, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm hơn một tháng. Nhà máy dự kiến sản xuất 375 triệu kW giờ điện trong năm 2011.
Từng gắn bó với công trường thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt từ ngày đầu thi công, Giám đốc nhà máy Nguyễn Mạnh Cường bộc bạch: Thực tế trong làm ăn kinh doanh, nhà đầu tư bao giờ cũng chú ý khai thác triệt để các mối lợi nhằm chớp lấy cơ hội, quyết định đầu tư, làm cho đồng vốn sớm sinh lời. Khai thác thủy điện Cửa Đạt là hướng đi mới và đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên mà Vinaconex cùng các nhà thầu quyết tâm đầu tư, cùng góp vốn tổ chức thực hiện. Thực tiễn cho thấy xây dựng công trình thủy lợi gắn với khai thác thủy điện là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả cao. Hồ thủy lợi ngoài việc phục vụ sản xuất, đời sống còn giúp nhà máy thủy điện hoạt động thiết thực, góp phần giảm bớt căng thẳng thiếu điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và toàn quốc nói chung. Trong vận hành khai thác, Công ty cổ phần thủy điện Cửa Đạt luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều hành, khai thác công trình thủy lợi và tổ chức sản xuất, cung ứng điện năng theo yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Đứng thông tin thêm: Trong quá trình thi công hồ thủy lợi Cửa Đạt rồi trụ lại mảnh đất Châu Thường khai thác điện năng, liên doanh các nhà thầu luôn quan tâm hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng cho các địa phương trên địa bàn huyện, tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Cầm Bá Thước, nhất là việc xây dựng một số trạm biến áp cung cấp điện cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, khu vực bị sông, suối chia cắt. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt còn mở hướng phát triển du lịch khu vực này. Mới đây huyện Thường Xuân đã công bố quy hoạch khu đô thị Cửa Đạt đồng thời xúc tiến các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Hồi: Nhà máy thủy điện Cửa Đạt đi vào hoạt động đã góp phần cải thiện tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt hơn 1,6 triệu tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.533 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. GDP bình quân đầu người 810 USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Gắn xây dựng công trình thủy lợi với khai thác thủy điện là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội rõ nét. Dĩ nhiên, cần tăng cường quản lý nhà nước trong vận hành các hồ chứa nước, giải quyết hài hòa mục tiêu thủy lợi của công trình trọng điểm quốc gia với bảo đảm hiệu quả của nhà đầu tư khai thác thủy điện.
Sau thành công của thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Dốc Cáy và thủy điện Xuân Minh (Thọ Xuân) cũng đang trong giai đoạn khảo sát, thăm dò. Nếu việc triển khai thi công hai công trình này được thực hiện cùng với xây dựng hệ thống kênh bắc sông Chu, nam sông Mã sẽ tạo thêm nguồn điện năng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()