Thường xuyên thay đổi công chức đầu mối: Gây khó cho công tác kiểm soát TTHC
– Trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, hiện nay có một thực tế đang diễn ra đó là các cơ quan, đơn vị thường xuyên thay đổi công chức đầu mối. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng kiểm soát TTHC của đơn vị nói riêng và của tỉnh nói chung.
Hiện, toàn tỉnh có 266 công chức đầu mối kiểm soát TTHC, trong đó, cấp tỉnh có 41 người, cấp huyện có 24 người, cấp xã có 200 người. Công chức đầu mối kiểm soát TTHC giúp lãnh đạo cơ quan theo dõi, tham mưu kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban chuyên môn thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động kiểm soát TTHC. Chính vì vậy, nếu thường xuyên thay đổi đầu mối sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác này.
Công chức đầu mối UBND thị trấn Hữu Lũng hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm soát TTHC
UBND huyện Văn Quan là một trong những đơn vị thường xuyên thay đổi công chức đầu mối kiểm soát TTHC. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã 3 lần thay đổi đội ngũ này. Tính đến 31/5/2022, huyện có 18 công chức đầu mối kiểm soát TTHC, trong đó, cấp huyện có 1 người, cấp xã có 17 người. Nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi này là do sự phân công, điều động công chức xã sau sáp nhập, một số người được điều chuyển về UBND huyện làm việc. Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc rà soát vị trí việc làm, căn cứ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hiện có đáp ứng yêu cầu, hạn chế thực hiện việc điều động, thay đổi công chức phụ trách kiểm soát TTHC. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho công chức phụ trách cấp xã.
Không riêng huyện Văn Quan, thời gian qua, việc thay đổi thường xuyên, liên tục đầu mối kiểm soát TTHC là tình trạng chung, xảy ra ở hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tính riêng năm 2021, tại cấp tỉnh đã có 9 cơ quan, đơn vị trình UBND tỉnh ban hành 10 quyết định thay đổi công chức đầu mối kiểm soát TTHC, trong đó có đơn vị thay đổi 2 hoặc 3 lần/năm. Đồng thời, qua các đợt kiểm tra công tác kiểm soát, cải cách TTHC hằng năm, Văn phòng UBND tỉnh ghi nhận được một số sở, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên thay đổi công chức đầu mối như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; UBND huyện Chi Lăng, UBND thành phố Lạng Sơn…
Chị Nông Thị Lệ Quyên, Công chức đầu mối kiểm soát TTHC Sở Y tế cho biết: Tôi mới làm công tác kiểm soát TTHC từ tháng 12/2021, chuyên ngành tôi được đào tạo trước đây không có liên quan gì đến TTHC. Khi mới được giao phụ trách, tôi thấy rất khó khăn, tôi phải tự nghiên cứu tìm đọc các tài liệu có liên quan, học hỏi các đồng chí phụ trách trước và phải mất mấy tháng tôi mới bắt nhịp được với công việc.
Được biết, năm 2020, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, không bắt buộc công chức đầu mối nhất thiết phải là lãnh đạo văn phòng sở hoặc UBND huyện mà có thể là công chức có kinh nghiệm, tuy nhiên, phần lớn các cơ quan, đơn vị đều phân công lãnh đạo văn phòng đảm nhận việc này, khi được điều động, luân chuyển lại phải thay thế, bổ sung. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị đang trong giai đoạn sắp xếp, tinh giản biên chế cũng ảnh hưởng tới việc bố trí công chức đầu mối…
Thực tế trên đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác kiểm soát TTHC của các đơn vị và của tỉnh. Cụ thể, khi thay đổi, người mới tiếp nhận công tác này sẽ phải mất thời gian tìm hiểu, tiếp cận và nghiên cứu các quy định từ đầu, ảnh hưởng tới quá trình tham mưu rà soát, đánh giá TTHC trình cắt giảm thời hạn, đơn giản hóa TTHC… Thêm vào đó, do thay đổi liên tục công chức đầu mối nên việc lưu trữ, nắm bắt báo cáo và các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát TTHC không được cao, thể hiện qua các đợt kiểm tra của tỉnh, công chức đều rất lúng túng và mất rất nhiều thời gian để tìm tài liệu, văn bản, báo cáo. Ngoài ra, đội ngũ công chức đầu mối TTHC thay thế thường xuyên phải tập huấn, bồi dưỡng lại từ đầu gây lãng phí thời gian của cán bộ, chi phí cho ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn người làm công tác đầu mối bảo đảm đáp ứng yêu cầu của UBND tỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị ưu tiên lựa chọn công chức tại phòng chuyên môn có nhiều TTHC phụ trách công tác này để hạn chế thấp tình trạng thay đổi công chức liên tục, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC của đơn vị nói riêng và của tỉnh nói chung.
Ý kiến ()