Thương vong vì sóng thần ở Indonesia tiếp tục tăng cao
Tính đến đầu giờ chiều 25/12, số người thiệt mạng do sóng thần tấn công các tỉnh Banten và Lampung của Indonesia hôm 22/12 đã lên tới 429 người.
Vẫn tiếp tục có các thi thể được tìm thấy sau 3 ngày xảy ra sóng thần
Theo người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa Quốc gia Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho, con số thương vong được dự báo tiếp tục tăng khi các đội cứu hộ vẫn tìm thấy các thi thể trên mặt nước hoặc trôi dạt vào những đảo nhỏ ngoài xa.
Tính đến 1 giờ chiều ngày 25/12, số người thiệt mạng vì sóng thần là 429 người, 1.485 người bị thương và 154 người được cho là mất tích, trong khi đó, 16.082 người đã tạm trú tại các điểm sơ tán.
Thống kê từ BNPB cũng cho thấy 883 ngôi nhà, 73 khách sạn và biệt thự, 60 cửa hàng và quầy hàng, 434 tàu thuyền và 41 phương tiện cơ giới đã bị phá hủy bởi sóng thần ở khu vực eo biển Sunda.
Theo người phát ngôn BNPB, Hải quân Indonesia đã đưa các tàu đến giúp lực lượng cứu hộ tìm kiếm người chết và mất tích. Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm trên bộ bị gián đoạn do việc tiếp cận với 7 ngôi làng phía tây nam đảo Java gặp khó khăn. Theo ông Nugroho, ngay cả trong điều kiện bình thường, những con đường dẫn tới khu vực này cũng rất xấu.
Trong một diễn biến khác liên quan đến cuộc sống của người dân sau thảm họa, tại các cơ sở tạm trú cho người dân, giới chức y tế địa phương lo ngại về một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Bác sỹ Rizal Alimin – người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, hiện đang có mặt tại một trường học nay trở thành điểm tạm trú cho người dân cho biết, rất nhiều trẻ em bị sốt, đau đầu. Người dân không có đủ nước sạch và thực phẩm, phải ngủ trên sàn nhà.
Nhà cửa ở các khu dân cư ven biển tan hoang sau sóng thần
Nhiều người dân còn chưa hết cảm giác bàng hoàng, sợ hãi, đồng thời vẫn lo ngại về những thảm họa tương tự có thể xảy ra trong bối cảnh nhà chức trách và chuyên gia cảnh báo về nguy cơ tiếp tục có thêm những đợt sóng thần nữa.
Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.
Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo. Tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do núi lửa phun trào nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()