Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ USD cho năm tài khóa 2019
Ngày 18/6, với tỷ lệ 85 phiếu ủng hộ và 10 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Dự luật cấp phép quốc phòng (NDAA) thường niên trị giá 716 tỷ USD trong năm tài khóa mới 2019 với một số nét mới so với phiên bản vừa được Hạ viện Mỹ thông qua.
Bản Dự luật cấp phép quốc phòng (NDAA) của Thượng viện Mỹ thông qua khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng cơ bản trị giá 639 tỷ USD để mua các loại vũ khí mới, tàu chiến, máy bay quân sự và trả lương cho binh lính. Ngoài ra, NDAA cũng dành ra một khoản trị giá 69 tỷ USD bổ sung cho quỹ xử lý các cuộc xung đột có sự can dự của quân đội Mỹ. Theo quy trình, NDAA của Thượng viện Mỹ cần được khớp với phiên bản đã được Hạ viện thông qua vào tháng 5/2018 (với tỷ lệ cách biệt 351 phiếu thuận và 66 phiếu chống) để có thể đưa ra một văn bản cuối cùng trình lên thông qua ở cả hai viện trước khi được Tổng thống chính thức ký ban hành thành luật.
Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ John McCain tin tưởng rằng, các nhà lập pháp Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi một chương trình cải cách, thúc đẩy vị trí của Bộ Quốc phòng và góp vai trò vào việc thực hiện Chiến lược phòng thủ quốc gia, thông qua việc khôi phục tinh thần sẵn sàng, xây dựng năng lực và khả năng hiện đại hóa.
Theo nhận định của giới quan sát, bản NDAA vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra. Tuy nhiên, văn bản này cũng gồm một số điểm sửa đổi được cho là mâu thuẫn với chính sách của Nhà Trắng và thậm chí là không có trong bản NDAA đã được Hạ viện thông qua.
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong bản NDAA vừa được Thượng viện Mỹ thông qua là điều khoản sửa đổi quy định quân đội nước này sẽ chấm dứt các hoạt động hỗ trợ tiếp nhiên liệu cho các máy bay mà Ả rập Xê út và các đồng minh sử dụng trong chiến dịch không kích Yemen được phát động từ tháng 3/2015. Tuy nhiên, dự luật này cũng đề cập tới việc áp dụng trường hợp “ngoại lệ” nếu như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận rằng chính quyền Riyadh đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để kết thúc chiến tranh và xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen.
Bên cạnh đó, dự luật chi tiêu quốc phòng vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn còn bao gồm một điều khoản sửa đổi nhằm cấm tập đoàn viễn thông ZTE khổng lồ của Trung Quốc nối lại hoạt động với các nhà cung cấp của Mỹ. Hiện tập đoàn ZTE đang bị Mỹ cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt do nước này đưa ra thông qua việc bán các công nghệ thuộc sở hữu của Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Đây được xem là nỗ lực của các nhà lập pháp Mỹ nhằm cản trở một thỏa thuận do chính quyền Tổng thống D.Trump đưa ra, theo đó cho phép ZTE nối lại hoạt động kinh doanh với các nhà cung cấp của Mỹ sau khi tập đoàn này đồng ý trả 1 tỷ USD tiền phạt cho chính phủ Mỹ và thay thế những nhà quản lý cấp cao trong ZTE.
Một nét mới đáng chú ý khác trong bản NDAA vừa được Thượng viện Mỹ thông qua đó là việc cấm bán các máy bay chiến đấu tối tân F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, trừ khi Tổng thống D.Trump xác nhận rằng Ankra không có hành vi bắt giữ các công dân Mỹ hay việc Ankara mua các thiết bị quân sự của Nga không đe dọa tới liên minh quân sự NATO. Điều khoản thay đổi này được các Thượng nghị sỹ Mỹ đưa ra trước những thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một mục sư người Mỹ tên là Andrew Brunson và đang triển khai thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Ngoài những điểm khác biệt nêu trên, bản NDAA của Thượng viện Mỹ đã đề cập tới một nội dung đáng chú ý đó là kêu gọi Washington tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ. Năm 2016, Mỹ đã công nhận Ấn Độ là một “đối tác quốc phòng chủ chốt” – một động thái cho phép New Delhi có thể mở rộng các hoạt động tiếp nhận các công nghệ tối tân và nhạy cảm từ Mỹ ở phạm vi ngang hàng với các đối tác và đồng minh thân cận nhất của Washington, đồng thời bảo đảm được mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước trong tương lai./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()