Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp phiên chất vấn và phiên họp thường kỳ tháng 4
- Sáng 16/4, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tham dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo khảo sát của Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh, toàn tỉnh có 1.894 học sinh khuyết tật đang tham gia giáo dục hòa nhập, trong đó có 1.697 em đang học trong các cơ sở công lập; 197 em học tại cơ sở ngoài công lập. Hiện tỉnh có 454 cơ sở giáo dục hoà nhập với 1.501 lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập; tổng số 4.577 cán bộ quản lý, giáo viên hỗ trợ NKT. Đối với 6 cơ sở giáo dục ngoài công lập, hiện nay có 2 đơn vị đã được cấp phép thành lập và tổ chức hoạt động giáo dục hoà nhập.
Thực hiện các chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với NKT nói chung, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện theo giai đoạn và hằng năm; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trợ giúp học sinh là NKT.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản và tổ chức triển khai các chính sách pháp luật quy định về giáo dục hoà nhập đối với học sinh là NKT trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện đồng bộ. Hiện nay chỉ có huyện Cao Lộc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy NKT theo phương thức giáo dục hoà nhập từ năm học 2014- 2015 đến nay; thành phố và các huyện còn lại chưa thực hiện.
Tại phiên chất vấn, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tập trung làm rõ ý kiến chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh về: hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách; nguyên nhân việc thực hiện chưa thống nhất trong các cơ sở giáo dục, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; việc giám định mức độ khuyết tật của NKT, công tác đào tạo nghề cho học sinh khuyết tật; việc cấp giấy phép hoạt động, tạo điều kiện về mặt bằng, thực hiện chính sách ưu đãi cho giáo viên và NKT đang được giáo dục hoà nhập tại các cơ sở ngoài công lập…
Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục hoà nhập ngoài công lập; hướng dẫn cấp huyện xây dựng kế hoạch giáo dục hoà nhập đối với NKT trên địa bàn; đề xuất nhu cầu tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT đảm bảo theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế. Cùng đó tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; triển khai việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập ngoài công lập; tăng cường tổ chức tập huấn các chính sách, chế độ liên quan giáo dục hoà nhập đối với giáo viên, cán bộ quản lý.
*Sáng cùng ngày, Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4/2024. Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét, thảo luận các nội dung: dự thảo Quyết định thành lập Đoàn giám sát; Kế hoạch giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch số 231, ngày 9/11/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 95 ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030; tổng hợp đề xuất nội dung giám sát năm 2025 của HĐND tỉnh; kết quả theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và kiến nghị, kết luận sau kiểm tra, giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh cũng xem xét, cho ý kiến vào các nội dung: phương án chuyển nguồn kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 sang năm 2024; giảm trừ dự toán ngân sách cấp chi lương đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế quý IV/2022 và 9 tháng đầu năm 2023; phương án giao bổ sung dự toán chi năm 2024; đề nghị bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo quyết định điều chỉnh kết quả đánh giá chất lượng hoạt động năm 2023 đối với đại biểu thuộc Tổ đại biểu huyện Cao Lộc HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; đề nghị xây dựng 3 nghị quyết HĐND tỉnh về: quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2024-2025; quy định nội dung, mức chi tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn; sửa đổi, bổ sung quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất các nội dung trình và đề nghị: Các ban HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh tiếp tục rà soát, xem xét lại các nội dung; tiếp thu và bổ sung ý kiến của đại biểu vào các báo cáo nhằm đảm bảo chất lượng để trình Thường trực HĐND tỉnh ký ban hành; hoàn thiện dự thảo các nghị quyết đưa vào nội dung trình kỳ họp thường lệ giữa năm.
Ý kiến ()