Thường trực HĐND tỉnh giám sát thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND tại UBND tỉnh
LSO-Sáng nay (29/5), đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại UBND tỉnh.
Tham dự buổi giám sát về phía UBND tỉnh có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, UBND một số huyện trên địa bàn.
Theo báo cáo tại buổi giám sát, để tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện.
Kết quả, tổng vốn huy động từ khi chương trình được ban hành đến nay là 25.390 tỷ đồng, đạt 159% so với kế hoạch giao. Qua đó, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, làm thay đổi nhanh, toàn diện bộ mặt nông thôn miền núi.
Đến nay, 100% số xã có đường đến trung tâm xã đi được 4 mùa; tỷ lệ cứng hoá đường ô tô đến trung tâm xã đạt 79%; 100% số xã trên địa bàn đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nông thôn có điện đạt 98,36%; 93,4% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; năng lực tưới các công trình thuỷ lợi đạt 70-71%; tỷ lệ thôn, khối phố có nhà văn hoá đạt 98,1%…
Nhiều mô hình sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất mới, hiệu quả được hình thành, nhân rộng, phát triển thành vùng chuyên canh, sản phẩm được gắn nhãn mác, thương hiệu. Một số mô hình liên kết sản xuất được xây dựng và phát huy hiệu quả như: mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau an toàn, chăn nuôi…
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận; công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm được tăng cường; đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở được hoàn thiện cả chất lượng và số lượng… Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo đem lại nhiều thay đổi tích cực, hết năm 2019, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 11,54 tiêu chí, 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình số 22 còn một số hạn chế như: công tác chỉ đạo thực hiện chương trình ở một số nơi còn chưa thực sự quyết liệt; liên kết sản xuất còn lỏng lẻo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; các chính sách khuyến khích vào nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn, còn nhiều khâu, thủ tục phức tạp…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Chương trình số 22 như: việc triển khai mô hình phát triển sản xuất, chuỗi giá trị; việc triển khai xây dựng chợ nông thôn, các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; tình hình nợ đọng xây dựng đường giao thông nông thôn; việc triển khai Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp….
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình số 22. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động, tập trung để vừa tham mưu đề xuất, vừa tổ chức thực hiện. Qua đó, việc triển khai thực hiện chương trình số 22 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí đề nghị: Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ngành, các huyện, thành phố đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nội dung Chương trình số 22; cần có chỉ đạo tháo gỡ, khắc phục khó khăn tồn tại thời gian qua; có kế hoạch rà soát, bố trí nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xử lý nợ đọng; dành nguồn lực hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; sớm có kế hoạch tổng kết chương trình số 22 để từ đó đánh giá một cách toàn diện.
Cùng đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.
Ý kiến ()