Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại huyện Văn Lãng
Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận
– Sáng 22/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030 và một số dự án trồng rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn huyện Văn Lãng.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, từ năm 2020 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã chủ động trồng rừng tập trung được 730ha, đạt 30,4% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 (chủ yếu là các loại cây như: lát hoa, lim xanh, keo, thông, hồi…); trồng được trên 1,3 triệu cây xanh phân tán (tương đương khoảng 820ha), đạt 84,5% kế hoạch; trồng được hơn 110ha rừng gỗ lớn, đạt 36,7% kế hoạch; và trồng được 55.550 cây gỗ lớn phân tán (tương đương 111ha).
Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây thông, keo, bạch đàn, hồi… tại một số xã: Trùng Khánh, Thanh Long, Thụy Hùng, Tân Tác, Thanh Hòa, Bắc Hùng, Bắc Việt, Gia Miễn, Hội Hoan, Hoàng Văn Thụ, Nhạc Kỳ…
Cùng với đó, người dân tại một số xã đã chủ động phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, trong đó các loại dược liệu được trồng chủ yếu là cát sâm, gừng đen, sa nhân. Độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại đạt 71,7%.
Tổng giá trị đầu tư cho các chương trình, dự án, mô hình, các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022 là hơn 1,94 tỷ đồng (100% nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước).
Lãnh đạo UBND huyện Văn Lãng báo cáo tình hình triển khai thực hiện phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trồng rừng và phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: việc đầu tư trồng, phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn chưa được đồng đều; nhận thức về phát triển kinh tế đồi rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách nhà nước; hoạt động chế biến còn ở quy mô nhỏ; các dự án trồng rừng tập trung hằng năm phân bổ nguồn vốn chậm khiến việc triển khai sản xuất cây giống, thiết kế công trình lâm sinh gặp khó khăn;…
Đoàn giám sát khảo sát mô hình trồng gừng đen tại xã Trùng Khánh
Tại buổi giám sát, lãnh đạo UBND huyện Văn Lãng có một số đề xuất, kiến nghị như: tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức rà soát chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi sang rừng thâm canh với các loại cây nguyên liệu, cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao; đầu tư phát triển hạ tầng trong lĩnh vực lâm nghiệp;…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thao luận, làm rõ một số nội dung về kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn huyện. Đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030 và một số dự án trồng rừng khác.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt tiếp tục quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát thực hiện tại cơ sở; xem xét các phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa trong công tác phát triển lâm nghiệp; tập trung phát triển các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ;…
Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát trực tiếp một số mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng tại xã Trùng Khánh và mô hình trồng hồi hữu cơ tại xã Thanh Long.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()