Thủ tướng Chính phủ: Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số
- Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 1 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, tăng 5 bậc so với năm 2020. Báo cáo của Google cho biết, kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP; chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu; đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ về an toàn, an ninh mạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần như chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%. Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 43% tăng hơn 8 lần so với trước năm 2020.
Về phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%...
Tại chương trình, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận, đóng góp ý liến về các giải pháp xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số; tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã báo tình hình công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh đã phát động “Đợt thi đua 100 ngày cao điểm số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực”; đợt thi đua cao điểm 150 ngày “Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện cấp, xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức; 100% văn bản được luân chuyển trên môi trường điện tử và ký số; hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến trên cổng dịch vụ công đạt trên 97%.
Nền tảng công dân số, trợ lý ảo được triển khai hỗ trợ người dân và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ; 93% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; 100% trường học, bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 72% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, trên 90% điểm kinh doanh cố định thanh toán qua mã QR code.
Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình viễn thông công ích trong phát triển hạ tầng viễn thông để phát triển băng rộng cố định, di động đến các thôn, bản trắng và lõm sóng; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số của địa phương với cơ sở dữ liệu của trung ương; hướng dẫn các địa phương đánh giá chỉ tiêu chuyển đổi số hằng năm…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm gồm: phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý, điều hành số hóa, thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu…
Ý kiến ()