Thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi: Chênh lệch tới nghìn lần vì đâu?
Mỗi dịp cuối năm, những người làm công ăn lương lại thấp thỏm mong ngóng thưởng Tết. Và với đại đa số người lao động, một cái Tết có no đủ hay không phụ thuộc phần nhiều vào tiền thưởng dịp này…
Lao động trông thưởng Tết…
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mức thưởng bình quân của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 bằng khoảng một tháng lương (6,3 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018 (5,5 triệu đồng/người). Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân cao nhất với 6,825 triệu đồng/người, tăng 9,8 % so với năm 2018 (6,2 triệu đồng/người).
Đáng lưu ý, khối doanh nghiệp dân doanh dẫn đầu về mức tăng tiền thưởng Tết Nguyên đán với tỷ lệ tăng lên tới 26,6% tăng từ 5 triệu đồng/người năm 2018 lên 6,4 triệu đồng/người năm 2019. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển.
Theo “Báo cáo Phúc lợi và Thưởng tết năm 2019 tại Việt Nam” của tập đoàn Navigos Group, lương thưởng là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển. Khảo sát của gần 500 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc cho thấy người lao động rất quan tâm tới thưởng Tết, có đến 53% ứng viên hiện nay luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc.
Đặc biệt, có tới 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi. Có hơn 1/4 nhân viên sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không nhận được mức thưởng như kỳ vọng. Có tới 27% người lao động được hỏi cho biết sẽ lựa chọn nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn. 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết…
Nơi tiền tỷ, chỗ chỉ 50.000 đồng
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, mức thưởng cao nhất năm là 1,17 tỷ đồng/người thuộc về một doanh nghiệp ở lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất tại các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 50.000 đồng.
Mức chênh lệch về thưởng Tết khiến không ít người lao động trầm trồ và cả ngậm ngùi.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay, bức tranh thưởng Tết trong các doanh nghiệp khá khác nhau, thậm chí tương phản, cao-thấp cách nhau cả nghìn lần.
“Thường thì doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và các thỏa thuận giữa hai bên liên quan trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã quy định trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp để thưởng Tết. Chính vì vậy, việc thưởng tết cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố,” ông Diệp chia sẻ.
Mặt khác, hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định nào liên quan tới việc yêu cầu doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Pháp luật về lao động chỉ quy định tiền lương, tiền thưởng là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, ngoài việc thưởng bằng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp khuyến khích, động viên người lao động bằng các hình thức khác như bằng sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, bằng cổ phiếu, các chuyến du lịch hoặc chế độ thăng tiến… Các hình thức thưởng nêu trên không trái với quy định của pháp luật nhưng phải được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
Ông Diệp cho biết, dù đã rất cố gắng, cả nước vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp chưa thưởng Tết cho người lao động do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
“Nếu thấy chế độ tiền lương, thưởng chưa thỏa đáng, người lao động và tổ chức công đoàn cần rà soát lại các thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện đúng các thỏa thuận, thì có thể gặp gỡ, trao đổi, thương lượng lại với người sử dụng lao động để có chế độ tiền lương, tiền thưởng hợp lý,” ông Diệp nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì cho hay, với những đơn vị đang gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng nỗ lực thưởng Tết dù là thấp và kỳ vọng trong tương lai sẽ hoạt động tốt hơn thì tổ chức công đoàn phải vào cuộc, kêu gọi thêm các nhà hảo tâm quan tâm, chăm lo tốt cho người lao động. Bên cạnh đó, cần nói rõ cho người lao động hiểu được số tiền ít nhưng đó là sự cố gắng của doanh nghiệp để cùng đồng hành, làm việc tốt hơn để hưởng thụ kết quả tốt hơn.
Có thể nói, bức tranh về mức thưởng Tết phần nào phản ánh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, người lao động vẫn tiếp tục trông chờ một năm mới với việc làm ổn định, lương và thưởng cao hơn./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()