Thương mại toàn cầu suy giảm mạnh
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo đó, các chuyên gia kinh tế thuộc IMF đã phân tích, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế thế giới trong thời gian qua, nhất là tình hình phát triển thương mại.
Báo cáo cho biết kể từ năm 2012, thương mại toàn cầu bắt đầu xu hướng tăng chậm dần, không chỉ so với kết quả tăng cao trong lịch sử, mà còn so với kết quả tăng trưởng kinh tế chung. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh tế trầm lắng, trong đó đầu tư thấp đóng góp tới 3/4 tổng mức suy giảm thương mại toàn cầu. Những yếu tố khác bao gồm tự do hóa thương mại chậm chạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng tăng chậm dần của chuỗi giá trị toàn cầu.
So với thời kỳ 5 năm trước khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhập khẩu thương mại và dịch vụ giảm dần tại 143 nước trong tổng số 171 nước. Nếu so với tăng trưởng GDP, nhập khẩu thương mại và dịch vụ giảm dần tại 116 nước. Trao đổi hàng hóa và dịch vụ lần lượt tăng trung bình khoảng 9,5% và 9,0% trong giai đoạn 2003-2007, nhưng chỉ tăng dưới 3% và 5,5% trong 4 năm 2012-2015.
Tại các nước phát triển, nhập khẩu thương mại và dịch vụ giảm mạnh sau khủng hoảng nợ công tại khu vực euro, sau đó tăng trở lại cùng với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, trao đổi thương mại và dịch vụ bị tác động với độ trễ nhất định, và giảm mạnh trong 2 năm qua, chủ yếu do nhập khẩu của Trung Quốc yếu ớt và các áp lực kinh tế vĩ mô tại nhiều nước, kể cả tác động của xu hướng suy giảm giá cả xuất khẩu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù chưa xác định rõ ràng những nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng cần dự báo chính xác nhằm đánh giá tác động của các biện pháp chính sách, có phải do yếu kém đơn thuần trong môi trường kinh tế hay do hệ quả của xu hướng thắt chặt dần chính sách thương mại.
Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân còn yếu ớt, trong khi Trung Quốc đang phải nỗ lực tái cân bằng kinh tế theo hướng chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước thay vì phụ thuộc quá mức vào đầu tư như hiện nay. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm chi phí nhằm đối phó với xu hướng giá cả suy giảm kéo dài.
Báo cáo nhận định, tốc độ tự do hóa thương mại chậm chạp trong những năm qua và xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ gần đây phần nào đã hạn chế những nỗ lực chính sách về cắt giảm chi phí thương mại vốn đã đạt được trong giai đoạn 1985-2007. Trong giai đoạn đó, cùng với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin, nỗ lực cắt giảm chi phí thương mại đã góp phần mở rộng các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó việc phân đoạn các quy trình sản xuất đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhất là các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Trái lại, trao đổi thương mại qua biên giới giảm mạnh trong những năm gần đây. Những yếu tố khác kìm hãm hoạt động thương mại hàng hóa có thể bắt nguồn từ quy luật phát triển tự nhiên, như sự gia tăng nhu cầu về hàng hóa phi mậu dịch nhằm đối phó với xu hướng già hóa dân số và tăng trưởng phúc lợi xã hội.
Đa số chuyên gia kinh tế cho rằng thương mại quốc tế cho phép các nền kinh tế phát triển theo hướng chuyên môn hóa trong việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ, có thể phát huy lợi thế so sánh và tận dụng các thành quả kinh tế về quy mô và phạm vi. Tuy nhiên, thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển công nghệ và tạo ra những sản phẩm mới, và cuối cùng là tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp tại nhiều nước trên thế giới, cần khôi phục lại vòng xoáy thương mại và tăng trưởng thông qua các nỗ lực hợp tác giữa các nhà tạo lập chính sách nhằm mở cửa thị trường và tiếp tục giảm chi phí thương mại.
Theo các chuyên gia IMF, cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là hoạt động đầu tư, qua đó sẽ hỗ trợ thương mại phát triển. Đến lượt nó, thương mại sẽ góp phần nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thương mại theo hướng dỡ bỏ các rào cản đồng thời với các biện pháp giảm chi phí.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()