Bài 2: Hành trình khẳng định thương hiệu hồi Xứ LạngLSO-Để định hướng cho sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn mang chỉ dẫn địa lý có thị trường ổn định và bền vững thì khâu qua trọng nhất là phải thương mại hóa các sản phẩm hoa hồi và nghiên cứu thị trường cho những sản phẩm đó.Sản phẩm tinh chế từ hoa hồi có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vựcNhiều năm qua, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, trước đây mặc dù diện tích hồi lớn, đã hình thành vùng sản xuất tập trung nhưng hoa hồi xứ Lạng vẫn chưa có thương hiệu riêng, trên thực tế giá cả bấp bênh gây khó khăn cho người trồng hồi vì không có thị trường tiêu thụ ổn định. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN nghiên cứu, lập hồ sơ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi. Đến ngày 15/2/2007, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định đăng bạ Chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn...
Bài 2: Hành trình khẳng định thương hiệu hồi Xứ Lạng
LSO-Để định hướng cho sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn mang chỉ dẫn địa lý có thị trường ổn định và bền vững thì khâu qua trọng nhất là phải thương mại hóa các sản phẩm hoa hồi và nghiên cứu thị trường cho những sản phẩm đó.
|
Sản phẩm tinh chế từ hoa hồi có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực |
Nhiều năm qua, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, trước đây mặc dù diện tích hồi lớn, đã hình thành vùng sản xuất tập trung nhưng hoa hồi xứ Lạng vẫn chưa có thương hiệu riêng, trên thực tế giá cả bấp bênh gây khó khăn cho người trồng hồi vì không có thị trường tiêu thụ ổn định. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN nghiên cứu, lập hồ sơ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi. Đến ngày 15/2/2007, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định đăng bạ Chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi. Như vậy, từ năm 2007, cây hồi Lạng Sơn chính thức có thương hiệu và được nhà nước bảo hộ, là tài sản quốc gia bất khả xâm phạm. Vấn đề là quản lý và phát triển thương hiệu như thế nào để đảm bảo giữ được chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Tiến sỹ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: theo WTO, chỉ dẫn địa lý được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất sứ từ lãnh thổ của một nước thành viên, hoặc một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, với điều kiện chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu do nguồn gốc địa lý này mang lại. Điều này cho thấy, chỉ dẫn địa lý không chỉ là một tên gọi, mà bao gồm một xuất sứ đặc biệt gắn liền với các đặc thù của một sản phẩm nhất định. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu phân biệt về mặt địa lý có quyết định cơ bản đến chất lượng của một sản phẩm vì: sản phẩm gắn liền với địa danh, sản phẩm được tạo ra bởi truyền thống. tinh hoa mà con người địa phương đó đúc kết được. Những năm 1992 – 1995…, đây có thể coi là thời kỳ “hoàng kim” của hồi. Thời điểm này, hồi khô có giá 140 – 150 nghìn đồng/kg, 17.000 đồng/kg hồi tươi, rất nhiều người giàu lên nhờ bán hoa hồi, không ít hộ thu nhập hàng tỷ đồng sau mỗi vụ. Tuy nhiên, nhưng năm sau này, giá hồi thấp một cách thảm hại, hồi chất lượng tốt mới bán được 14.000 – 17.000đồng/kg hồi khô, còn hồi tươi không vượt quá 5.000đồng/kg. Tuy giá thất thường nhưng hầu như không có hộ nào ở đây chặt bỏ đi trồng cây khác, người trồng hồi vẫn tin tưởng có lúc giá hồi sẽ tăng lên.
Để tìm lại sự phát triển bền vững cho cây hồi, thời gian qua các ngành chức năng đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm từ hồi, từng bước khẳng định thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo thống kê, trước đây, các thương lái Trung Quốc thường mua hồi khô của Lạng Sơn sau đó tái xuất sang thị trường Trung Đông và Châu Âu. Báo cáo điều tra chính thức đến năm 2009, Việt Nam là nước đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu hồi (sau Syri, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc), chiếm 12,1% tổng kim ngạch XK toàn cầu với lượng xuất khẩu 3.703 tấn trong năm 2009, trị giá 6,309 triệu USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồi sang các nước trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Tuy đứng thứ tư về xuất khẩu hồi, nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất hồi thô với giá rẻ nên tuy lượng xuất khẩu lớn nhưng kim ngạch XK thu được còn hạn chế. Đối với thị trường hồi Lạng Sơn, hiện nay một số đơn vị kinh doanh có trụ sở tại miền Nam tiến hành thu mua xuất khẩu các sản phẩm hoa hồi sang thẳng các nước Trung Đông và Châu Âu. Tuy vậy, khó khăn lớn đối với việc xuất khẩu sản phẩm hồi của Lạng Sơn là hầu hết hoa hồi được các cơ sở tư nhân sấy khô theo phương pháp thủ công nên hoa hồi bị nhiễm SO2, chất lượng hồi sẽ giảm, giá xuất khẩu vì thế cũng giảm theo. Trên thực tế, giá hồi của Lạng Sơn trong những năm qua thấp là do hoa hồi phần nhiều vẫn xuất khẩu dạng thô, chưa tinh chế. Hiện các hộ đại lý thu mua hồi chủ yếu ở Tu Đồn, Điềm He, Chợ Bãi, chợ Ba Xã (Văn Quan)…, các hộ đại lý này hoạt động tự phát, chưa có một tổ chức quản lý nào hướng dẫn họ kinh doanh theo quy định là sản phẩm Hồi đã được Nhà nước bảo hộ. Chính vậy, điều đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn là phải hướng các hộ đại lý kinh doanh hồi tham gia vào quá trình quản lý, bảo vệ và giữ danh tiếng hồi Lạng Sơn.Xác định được vấn đề này, trên hành trình khẳng định thương hiệu hồi Xứ Lạng, vừa qua, bước đi đầu tiên là chúng ta đã thành lập được hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn.
|
Diện tích hồi Lạng Sơn chiếm tỷ lệ lớn trên toàn quốc |
Đến thời điểm hiện nay, Hội đã đi vào hoạt động nề nếp, các hội viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia vào hội, số hội viên tham gia ban đầu chỉ có gần 200 hội viên, nhưng nay đã có hàng nghìn hội viên xin gia nhập Hội. Điều đáng nói là: các hội viên hiện nay không chỉ là các hộ gia đình trực tiếp sản xuất hồi tham gia, mà có cả các tổ chức, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hồi. Như vậy, hành trình thương mại hóa sản phẩm hoa hồi đang có những bước đi đúng hướng. Ngành chức năng hiện đã kết nối được các khâu lại với nhau tạo thành một dòng chảy thống nhất. Các hộ đại lý tham gia vào Hội SXCB&KD hồi Lạng Sơn đã tạo nên điểm nối giữa sản xuất và lưu thông, nó có tác dụng trực tiếp đến người sản xuất, chia sẻ khó khăn của người sản xuất, đồng thời phản ánh trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Qua đây có thể khẳng định: việc liên kết được “4 nhà” đã và đang tạo nên một hướng đi mới cho cây hồi Lạng Sơn, từng bước khẳng định được vị trí về sản phẩm hoa hồi, và dần khẳng định thương hiệu của Xứ Lạng.
Trí Dũng
Ý kiến ()