Thứ 2, 25/11/2024 02:49 [(GMT +7)]
Thương mại hóa sản phẩm hoa hồi: Khẳng định thương hiệu xứ Lạng
Thứ 5, 14/07/2011 | 09:17:00 [(GMT +7)] A A
Có thể nói rằng, để phát triển cây hồi một cách bền vững thì cần phải có hệ thống quản lý, tổ chức quản lý, các quy trình quản lý sản phẩm hoa hồi một cách hệ thống. Đặc biệt chúng ta phải thúc đẩy công nghiệp chế biến và thương mại hóa các sản phẩm hoa hồi. Để tạo được vị trí vững chắc trên thị trường, Lạng Sơn cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm hoa hồi quy mô công nghiệp với công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Bài I: Cây đặc sản quý của Lạng Sơn
LSO-“Việt Nam là rốn hồi của Châu Á, Lạng Sơn là rốn hồi của Việt Nam…”, các chuyện gia về hồi thế giới đã nhận định vậy. Điều này khẳng định: không nơi nào có nhiều hồi và chất lượng như Lạng Sơn. Tuy nhiên, sau khi có thương hiệu riêng, cây hồi vẫn long đong. Vừa qua, Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch định hướng trong việc thương mại hóa sản phẩm hoa hồi mang chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn.
Nông dân xã Đồng Giáp hong phơi hồi – Ảnh: Thế Bảo |
Cây hồi có ở Lạng Sơn gần 100 năm nay. Từ những năm 1925 – 1930 người Pháp đã đầu tư đồn điền nhằm mục đích phát triển, khai thác cây hồi lâu dài. Kể từ đó cây hồi phát triển mạnh ở Lạng Sơn, nhất là khu vực huyện Văn Quan. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện tổng diện tích rừng hồi toàn tỉnh có trên 33.000ha. Trong đó riêng Văn Quan, theo quy hoạch của huyện, diện tích phát triển tối đa là 10.000 ha, thì nay đã trồng được gần 9.000ha, sản lượng hoa hồi thu hoạch đạt trên 5.000 tấn/năm. Tính vậy để thấy, diện tích hồi của Văn Quan đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích hồi toàn tỉnh.
Cây hồi là cây đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và có ý nghĩa qua trọng trong việc xóa đói giảm nghèo của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Hoa hồi Lạng Sơn đã có thời điểm khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới. Chính vậy, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển nông thôn giai đoạn 2005 – 2010, Lạng Sơn đã phát triển mở rộng diện tích rừng hồi, hiện chiếm khoảng 70% so với diện tích rừng hồi của cả nước. Hồi là cây có giá trị sử dụng cao, tinh dầu hồi được dùng làm hương liệu, nguyên liệu trong công nghiệp thực phẩm, pha vào rượu, đặc biệt được dùng trong y dược (các nước khác đã dùng tinh hồi sản xuất Tamiflu)…, do vậy hoa hồi là loại nguyên liệu có giá trị xuất khẩu. Hơn thế, hiệu quả kinh tế của hồi rất lâu dài, vì cây 40 năm tuổi vẫn sai quả, lá và vỏ hồi cũng có thể tinh luyện dầu…, mọi sản phẩm từ hồi đều có giá trị. Cây hồi một năm cho thu hoạch hai vụ, vụ mùa vào tháng 10, vụ xuân vào tháng 6. Theo tài liệu tập huấn thị trường và tổ chức thương mại cho sản phẩm hoa hồi mang chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn do tiến sỹ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN biên soạn, hồi Lạng Sơn là giống đại hồi, diện tích hồi của Lạng Sơn nhiều hơn hẳn so với các địa phương khác trên cả nước, chất lượng dầu hồi cũng rất cao…, vì đất nơi đây rất hợp cho cây hồi phát triển. Các chuyện gia về hồi trên thế giới đã nhận định: “Việt Nam là rốn hồi của Châu Á, Lạng Sơn là rốn hồi của Việt Nam…”. Điều này đã khẳng định, Lạng Sơn chính là đất hồi. Là cây đặc sản như vậy, nhưng việc trồng hồi tại Lạng Sơn từ nhiều năm trở lại đây đều theo phương pháp quảng canh, ít tác động đến các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Trong thực tế, người trồng hồi ở Lạng Sơn không có thói quen bón phân nên cây hồi chỉ khai thác khoảng chục năm là đã bắt đầu thoái hóa hoặc già cỗi. Điều này làm cho năng suất và chất lượng sản phẩm từ cây hồi không cao, không ổn định. Đồng tình với quan điểm này, ông Lường Đăng Ninh khẳng định: cần phải nâng cao sản lượng và chất lượng tinh dầu hồi hướng đến phát triển bền vững loài cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, đa tác dụng, xứng đáng với tiềm năng vốn có của nó. Cũng theo báo cáo quy hoạch của ngành NN&PTNT Lạng Sơn thời kỳ 2011 – 2020 thì: đến năm 2015 diện tích hồi đạt 34.000ha, sản lượng 55.465 tấn (quả tươi) tương đương với 11.500 tấn quả khô; đến năm 2020 diện tích rừng hồi vẫn giữ ổn định 34.000ha, nhưng sản lượng sẽ tăng lên 62.474 tấn quả tươi, tương đương 12.600 tấn quả khô.
Có thể nói rằng, để phát triển cây hồi một cách bền vững thì cần phải có hệ thống quản lý, tổ chức quản lý, các quy trình quản lý sản phẩm hoa hồi một cách hệ thống. Đặc biệt chúng ta phải thúc đẩy công nghiệp chế biến và thương mại hóa các sản phẩm hoa hồi. Để tạo được vị trí vững chắc trên thị trường, Lạng Sơn cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm hoa hồi quy mô công nghiệp với công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Bài II: Hành trình khẳng định thương hiệu hồi Xứ Lạng
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()