Thương mại hàng hóa Việt-Trung qua kênh đường sắt tăng cao
Trong quý I/2022, số lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng trên 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Báo chí Trung Quốc dẫn thông tin từ Công ty TNHH Tập đoàn Cục Đường sắt Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết, trong quý I/2022, đã có tổng số 98 chuyến tàu liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, vận chuyển lượng hàng hóa tương đương 2.940 TEU (đơn vị đo khối lượng hàng hóa tương đương container tiêu chuẩn, 1 TEU = 1 container 20 feet), số lượng chuyến tàu và khối lượng hàng hóa vận chuyển lần lượt tăng 27,3% và 34,1% so cùng kỳ năm ngoái. Kênh liên vận quốc tế đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh thương mại xuyên biên giới qua các cửa khẩu đường sắt.
Trong tổng số chuyến tàu vận chuyển hàng hóa giữa hai bên, có 57 chuyến tàu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Việt Nam, mức tăng trưởng cao tới 128%, với các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử…
Đáng chú ý, khác với quý I các năm trước khi mặt hàng trái cây phải ngừng vận chuyển qua kênh đường sắt, thì ngay từ đầu năm nay khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các chuyến tàu vận chuyển trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường (Quảng Tây) đã được vận hành và đạt kết quả cao, với tổng cộng 11.366 tấn trái cây nhập khẩu.
Theo thống kê, nếu như ở thời điểm 10 năm trước, chỉ có một số ít mặt hàng như hóa chất, sắt thép được vận chuyển qua kênh đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì đến nay có tới hơn 200 chủng loại hàng hóa, bao gồm trái cây, máy móc, thiết bị, nguyên liệu thuốc đông y… được khai thác qua phương thức này, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa đa dạng và ổn định cho doanh nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()