Thương mại điện tử và nông sản của người dân
Dịch Covid-19 tác động lớn đến những hoạt động mua bán, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”, cùng với kênh phân phối truyền thống, các địa phương trong vùng từng bước đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Đây được xem là kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả. Hơn thế, việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT không chỉ giải bài toán tiêu thụ trước mắt trong mùa dịch Covid-19 mà còn giúp nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững.
Cầu nối điện tử cho cung và cầu
Nhận được thông báo trên địa bàn xuất hiện F0, để bảo đảm an toàn cho gia đình và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thị Lan Anh, ngụ tại phường Trà An, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã chuyển phương án đi chợ hằng ngày sang việc mua bán hàng hóa theo hình thức trực tuyến. Sau thời gian tìm hiểu và làm quen với việc giao dịch qua các sàn TMĐT, như: Sendo, Lazada, Tiki, Bách hóa Xanh, Saigon Co.op… và nhận được đơn hàng đầu tiên, chị Lan Anh rất hài lòng. “Chỉ cần vào ứng dụng, tôi dễ dàng chọn thực phẩm theo từng nhóm như: Thịt, hải sản, rau củ, trái cây, hàng hóa mình cần và thanh toán qua thẻ. Sản phẩm tươi sống, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, rồi còn được khuyến mãi. Qua các kênh bán hàng vừa mua được hàng hóa, vừa phòng được dịch bệnh nên tôi rất yên tâm”, chị Lan Anh bộc bạch.
Không chỉ tiện lợi cho người tiêu dùng, sàn TMĐT còn là phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh, nông dân, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Minh chứng cụ thể là HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thời điểm thu hoạch rộ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành tím tồn đọng lên đến hàng chục tấn. Tuy nhiên, thông qua sàn TMĐT Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) chỉ sau vài ngày, hơn 10 tấn hành tím của HTX đã được tiêu thụ. Theo thống kê 8 tháng năm 2021, thông qua sàn TMĐT Postmart, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 390 đơn hàng nông sản. Cùng với Postmart, hiện có hơn 70 mặt hàng nông sản của tỉnh đã được đưa lên các sàn TMĐT như: Sendo, Voso, Lazada…
Nhân viên Sàn thương mại điện tử Sen đỏ tư vấn người dân kinh doanh trên thương mại điện tử (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Không chỉ thời điểm dịch bệnh mà trước đó không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động tìm đến các sàn TMĐT để đăng ký. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, tiếp cận với các kênh phân phối lớn. Ví như HTX Chôm chôm Java Tân Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thông qua kênh thông tin của sàn TMĐT, đã liên kết giao thương và ký hợp đồng tiêu thụ 26 tấn chôm chôm. Theo ông Võ Văn Bê, Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh: Từ khi tham gia sàn TMĐT và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể. “Nếu như năm 2018, thông qua kênh thông tin của sàn chỉ tiêu thụ được 6 tấn chôm chôm thì năm 2020, sản lượng tăng lên 50 tấn. Năm 2021, tuy xuất khẩu khó khăn nhưng chôm chôm vẫn tiêu thụ ổn định trong nội địa”, ông Võ Văn Bê thông tin.
Theo báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông qua sàn TMĐT, hiện đã tập hợp được hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm. Bên cạnh đó, mỗi ngày tổ công tác cũng kết nối tiêu thụ khoảng 400 tấn nông, thủy sản. Những trường hợp và số liệu trên là minh chứng thiết thực và rõ nét nhất cho thấy, việc tham gia sàn TMĐT là hướng đi đúng đắn của các địa phương, doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản.
Để sân chơi mới được rộng mở
Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí không ít nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, TMĐT vẫn là sân chơi khá mới lạ, nhất là ở nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm. Vì thế, để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sàn TMĐT, ông Võ Trường Phi, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Sàn TMĐT Postmart.vn có nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt cho người nông dân đưa sản phẩm lên sàn, như: Livestream, họp nhóm, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video… Do vậy, trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, người nông dân vẫn có thể tự tạo gian hàng và đăng bán các sản phẩm, nông sản thông qua sàn TMĐT. Trước mắt để tạo điều kiện cho người dân đưa nông sản lên sàn TMĐT, Vietnam Post không chỉ miễn phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn mà còn có nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, hỗ trợ đóng gói hàng hóa…”.
Tương tự, để giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng tham gia sân chơi mới, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. “Qua các buổi hướng dẫn trực tiếp có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT tại Hậu Giang, đã có 14 cơ sở, hợp tác xã đăng ký bán sản phẩm lên các trang TMĐT, như: Voso.vn, postmart.vn, Shopee, Lazada, Tiki… ”, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang chia sẻ.
Với việc được nhiều địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đang ngày càng quan tâm, kênh bán hàng TMĐT không chỉ giúp giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch, mà được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản; là “phương thuốc hóa giải lời nguyền” được mùa mất giá của nông sản và đưa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long vươn xa ra thị trường thế giới.
Ý kiến ()