Thương mại đang thặng dư hơn một tỷ USD
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung hai tháng đầu năm xuất siêu 1,08 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,62 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,66 tỷ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 24 tỷ USD, tăng gần 22%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với sáu tỷ USD, cũng tăng 14%; tiếp đến là EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng mạnh hơn 36%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước. Hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước tính chỉ đạt 12,5 tỷ USD, giảm hơn 37% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5 tỷ USD, giảm 40%; khu vực FDI đạt 7,5 tỷ USD, giảm gần 36%.
Tính chung hai tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 16%; khu vực FDI đạt hơn 19 tỷ USD, tăng hơn 14%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD; ASEAN đạt 4,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD; EU đạt 1,8 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD.
Theo Nhandan
Ý kiến ()