Thương hiệu ‘quốc gia an toàn’ - đòn bẩy phục hồi du lịch
Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây là đòn bẩy cho du lịch Việt Nam phục hồi.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh điều này tại toạ đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” do Tổng cục Du lịch phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 3/4 tại Thanh Hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhiều hoạt động bị ngừng trệ, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, tại nước ta, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của nhân dân cả nước, Việt Nam đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế dịch bênh. Đây cũng là tiền đề để thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29% trong năm 2020 (tổ chức Brand Finance có trụ sở tại London, Anh, xác nhận).
Việt Nam trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19. Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch Việt Nam khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt với doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng, góp phần giảm tác động tiêu cực do dịch COVID-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.
Vì thế, định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021-2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Điều này cũng phù hợp với định hướng của ngành du lịch các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam sẽ được tính toán trên nhiều phương diện.
Đó là đẩy mạnh phối hợp các bên để vừa bảo đảm mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Cùng với phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách.
Đối với thị trường quốc tế, cần chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại. Về thị trường mục tiêu, các thị trường gần trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mà du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021-2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng “hộ chiếu vaccine”, tạo điều kiện đón khách đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch.
Liên quan đến việc chuẩn bị phương án đón khách quốc tế, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết ngày 23/3, Thủ tướng đã giao Bộ VHTT&DL nghiên cứu, đề xuất giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Với nhiệm vụ này, Bộ VHTT&DL sẽ nghiên cứu triển khai một cách thận trọng, thí điểm từng bước, trên cơ sở xem xét áp dụng “hộ chiếu vaccine nguyên tắc 5K” để bảo đảm an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương; ứng dụng công nghệ để có nền tảng số hiển thị chứng chỉ tiêm chủng; phối hợp với địa phương nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Tại tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp (Saigontourist, Phoenix Voyages, Flamingo Redtours…) đều bày tỏ sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam.
Để có thể đón khách quốc tế, các doanh nghiệp cho rằng cần có khảo sát về nhu cầu điểm đến của du khách cũng như rà soát, bổ sung nguồn nhân lực, đồng thời, đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine trong nước để đảm bảo yếu tố an toàn miễn dịch cộng đồng.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mở cửa thị trường du lịch quốc tế là vấn đề tác động đến mọi lĩnh vực như du lịch, thương mại, kinh tế, ngoại giao. Do đó, Việt Nam phải mở theo hướng tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro trước tình hình COVID-19 phức tạp để không bở lỡ cơ hội này.
Ý kiến ()