Thương hiệu "Mỳ gạo Chũ" đem lại đổi thay cho quê hương
Làng nghề thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngày nay có nhiều nét đổi khác, với nhiều nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại, đường xá cũng được bê tông hóa kiên cố. Có được hình ảnh mới này phần lớn là nhờ vào nghề làm mỳ gạo với thương hiệu “mỳ gạo Chũ” tại nơi đây. Có thể nói, tuy là nghề phụ nhưng từ lâu đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình trong làng.
Làng nghề thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngày nay có nhiều nét đổi khác, với nhiều nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại, đường xá cũng được bê tông hóa kiên cố. Có được hình ảnh mới này phần lớn là nhờ vào nghề làm mỳ gạo với thương hiệu “mỳ gạo Chũ” tại nơi đây. Có thể nói, tuy là nghề phụ nhưng từ lâu đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình trong làng.
Sản phẩm mỳ gạo Chũ đã được đăng ký thương hiệu |
Lý do khiến mỳ gạo Chũ tại Thủ Dương được ưa thích so với các loại mỳ gạo khác là do nguyên liệu để sản xuất được lựa chọn kỹ càng; khi chế biến, sợi mỳ dẻo và dai, không bị nát nên từ lâu đã trở thành món ăn dân dã được nhiều người ưa thích. Để đảm bảo chất lượng mỳ, các hộ làm mỳ trong thôn đều có bản cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay chất phụ gia, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, mỳ Chũ được làm là từ nguyên liệu gạo Bao Thai hồng của vùng Lục Ngạn, một giống gạo dài ngày được trồng tại các chân ruộng cao. Nhưng hiện nay khi sản lượng mỳ tăng lên, ngoài gạo Bao Thai hồng, các hộ sản xuất trong làng còn nhập thêm các loại gạo ngon khác đảm bảo đúng tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất.
Quy trình sản xuất tuy được cải tiến nhờ máy móc nhưng các công đoạn vẫn được làm tỉ mỉ và cẩn thận, đòi hỏi kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm của người dân làng nghề. Gạo sau khi được lựa chọn sàng sảy kỹ càng sẽ được vo sạch rồi đem ngâm từ 6 – 8 tiếng. Sau đó, gạo được xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh. Bột ấy được lọc rồi ủ qua một đêm. Đến sáng hôm sau, bột sẽ được tráng và đem phơi. Bánh tráng chỉ được phơi khi trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người làm nghề sẽ dừng việc sản xuất. Vì nếu bánh đưa vào lò sấy thì không đảm bảo được chất lượng. Khi bánh khô sẽ được đem chần mỡ (mỡ lợn đã rán), rồi ủ, gấp bánh để đến sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại tiếp tục được đem phơi khô, bó thành từng bó mỳ và đóng gói thành phẩm. Việc bó mỳ cũng rất khó, đòi hỏi sự khéo léo nên thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mỳ chắc, đẹp và đều.
Việc bó mỳ gạo đòi hỏi sự khéo tay, cẩn thận (Ảnh: M.P) |
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tiến Hạnh, chỉ với 3 nhân công đã sản xuất mỗi ngày được khoảng 130 – 140 kg mỳ gạo, thu nhập 700 – 800 nghìn đồng. Thu nhập này hiện tại đảm bảo cho gia đình anh một cuộc sống khá đầy đủ và có thể tích lũy cho con cái học hành. Hay nhà chị Nguyễn Thị Thịnh, cũng sản xuất được trung bình 100 kg mỳ gạo/ngày, sau khi trừ các chi phí cũng mang lại thu nhập từ 500 – 600 nghìn đồng. Cơ ngơi của gia đình là một căn nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, nhà xưởng trang bị đầy đủ máy móc phục vụ cho sản xuất.
Nhờ nỗ lực duy trì chất lượng sản phẩm mang thương hiệu mỳ Chũ, tháng 10/2012 Bộ Công Thương đã có quyết định công nhận bình chọn sản phẩm Mỳ gạo Chũ là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực phía Bắc.
Để tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề Thủ Dương, huyện Lục Ngạn đã có nhiều chính sách thông thoáng đẩy nhanh xúc tiến thương mại, khuyến khích hỗ trợ các hộ tham gia sản xuất chế biến mỳ, duy trì chất lượng đã được khẳng định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ, huyện Lục Ngạn đã và đang tích cực ,chủ động liên kết với các đại lý, doanh nghiệp để để đưa mỳ gạo Chũ đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()