Thương hiệu doanh nghiệp và hình ảnh quốc gia
Doanh nghiệp, doanh nhân cần coi trọng đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng, nâng cao uy tín sản phẩm và thương hiệu, trên cơ sở đó bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và lâu dài sự nghiệp của mình. Xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp là góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.Xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi vì điều đó vừa là mục tiêu, vừa bao hàm nội dung và kết quả của đổi mới mô hình tăng trưởng. Hầu như mọi người trên thế giới đều biết những thương hiệu nổi danh toàn cầu như: Apple, Microsoft, GE, Boeing, Airbus, Siemens, Sony, JVC, Nokia, Credit Suisse, US Eximbank, HSBC... Dù rằng trong số đó, nhiều thương hiệu mà ngày nay đã trở thành danh thơm của các tập đoàn đa quốc gia, có hệ thống mạng lưới sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên khắp các châu lục, nhưng công chúng vẫn biết rõ quốc gia xuất xứ và nơi đặt hội sở chính của nó. Vậy là, thương hiệu doanh nghiệp đã góp...
Xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi vì điều đó vừa là mục tiêu, vừa bao hàm nội dung và kết quả của đổi mới mô hình tăng trưởng.
Hầu như mọi người trên thế giới đều biết những thương hiệu nổi danh toàn cầu như: Apple, Microsoft, GE, Boeing, Airbus, Siemens, Sony, JVC, Nokia, Credit Suisse, US Eximbank, HSBC… Dù rằng trong số đó, nhiều thương hiệu mà ngày nay đã trở thành danh thơm của các tập đoàn đa quốc gia, có hệ thống mạng lưới sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên khắp các châu lục, nhưng công chúng vẫn biết rõ quốc gia xuất xứ và nơi đặt hội sở chính của nó. Vậy là, thương hiệu doanh nghiệp đã góp phần đắc lực quảng bá hình ảnh quốc gia, hun đúc thêm niềm tự hào chân chính của mỗi dân tộc.
Nước ta cũng đã có không ít thương hiệu mạnh, có uy tín cao ở trong nước, khu vực và thế giới, như: Vietnam Airlines, Viettel, Vinacafe, Vinafood, Vinatex, Vinamilk, Vinatea, Biti’s, Becamex, Minh Long, cà-phê Trung Nguyên… Ngay cả những thương hiệu như Vinashin, Vinalines khi chưa bị mất cân đối về tài chính cũng đã thu hút sự quan tâm trên thương trường quốc tế, được các hãng vận tải biển, đóng tàu, ngân hàng ở nhiều nước xác lập quan hệ kinh doanh và tài chính; hơn thế, ngay cả trong khó khăn khắc nghiệt hiện thời cũng vẫn là những thương hiệu có tên tuổi, vẫn còn hy vọng trở lại những năm tháng nổi đình đám như trước đây.
Chúng ta có nhiều doanh nghiệp lớn thành công trong xây dựng thương hiệu. Thí dụ: Tập đoàn Viễn thông quân đội – Viettel. Bản lĩnh, sáng tạo và kỳ công để thương hiệu này nổi tiếng trên trường quốc tế thì đã rõ, còn may mắn hẳn là được sự ủng hộ kịp thời, đúng đắn của các cơ quan chức năng và đông đảo người tiêu dùng giúp doanh nghiệp vượt qua những cản trở của thói độc quyền và cơ chế cũ.
Bên cạnh những thương hiệu lớn nêu trên, không thể không kể tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu. Thí dụ: một đơn vị trong ngành da giày nước ta, được thành lập đúng vào lúc ngành này hết sức khó khăn (năm 1992), đó là Công ty Ladoda, vừa nỗ lực bản thân, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển các thành phần kinh tế, vừa được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, suốt 20 năm liên tục bền bỉ, tận tâm, sáng tạo trong ngành may da, đã xây dựng nên thương hiệu khá nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Những trường hợp không may mắn về thương hiệu từng một thời oanh liệt, như: Vinashine, HBB “giá trị tích lũy niềm tin”, Tribeco…, vừa là điều đáng tiếc thương, đau xót, nhưng cũng là dịp để rút ra những bài học để phòng tránh và khắc phục hậu quả.
Xây dựng thương hiệu nói chung là một quá trình trường kỳ với biết bao công sức, tâm huyết và sáng tạo, thường không “thuận buồm xuôi gió” mà phải vượt qua không ít gian nan, thách thức, tương tự như con thuyền phải vượt qua bao thác ghềnh trước khi ra biển lớn tiếp tục đương đầu với phong ba, bão tố. Bởi vậy, những người trên thuyền phải có bản lĩnh, trí tuệ và nhiều khi cũng còn lệ thuộc thời cơ và sự may rủi nữa; hơn thế, không thể thiếu sự hậu thuẫn, hỗ trợ của cộng đồng (ví như dự báo thời tiết, hướng dẫn hoạt động và tình cảm chân thành từ đất liền của các cơ quan chức năng và người dân đối với ngư dân và tàu thuyền trên biển). Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của thông tin báo chí, tâm và trí của người cầm bút viết và duyệt bài đăng báo.
Từ thực tiễn thành công và chưa thành công trong xây dựng thương hiệu, có thể thấy nổi lên một số bài học kinh nghiệm bước đầu.
Trước hết là, bài học về nhận thức trách nhiệm doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là tính toàn diện và trách nhiệm xã hội của doanh nhân trong quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp của mình. Cả lĩnh vực y tế, giáo dục, báo chí cũng phải hết sức coi trọng xây dựng thương hiệu, giữ gìn, phát huy truyền thống mà nhiều thế hệ dày công vun đắp, không thể để cá nhân hay một nhóm người vụ lợi thiển cận (như lừa dối, ép buộc khách hàng để tham nhũng, kiếm thu nhập, quảng cáo, hoa hồng bất chính) làm mất thanh danh, phá hoại nguồn mạch phát triển bền vững lâu dài.
Hai là, cần quán triệt nội dung ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ kỹ thuật – công nghệ mới và quản trị kinh doanh tiên tiến trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ba là, nên đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa và thành lập các công ty cổ phần, bởi vì đó là mô hình doanh nghiệp tạo cơ sở cho sự hội tụ, cộng hưởng sức mạnh của doanh nghiệp và cộng đồng. Càng nhiều cổ đông trong xã hội quan tâm trên tinh thần “đồng tiền nối liền khúc ruột”, thì càng thu hút sự theo dõi sức khỏe doanh nghiệp thông qua các thông tin về giá cổ phiếu, về tình hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, kết quả tài chính… để sẵn sàng đóng góp thêm trí tuệ, tiền của nhằm xử lý tình huống theo hướng có lợi nhất cho việc tối ưu hóa giá trị và thương hiệu doanh nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()