Thương hiệu địa phương được ưa chuộng
LSO-Nếu như trước đây, bánh trung thu xứ Lạng chủ yếu bán lẻ tại các chợ truyền thống hoặc ngay tại các hộ sản xuất thì nay nhiều thương hiệu quen thuộc đã có mặt trên kệ hàng của những siêu thị lớn, xuất sang các tỉnh bạn.
Người dân lựa chọn bánh trung thu cổ truyền tại siêu thị Thành Đô |
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20 cơ sở sản xuất bánh trung thu cổ truyền, trong đó, thành phố Lạng Sơn có khoảng 11 cơ sở. Vào dịp trung thu, bình quân mỗi cơ sở sản xuất cung ứng ra thị trường từ 4.000 – 5.000 hộp bánh các loại với giá trung bình khoảng 80.000 đồng/chiếc. Đồng thời, trên địa bàn thành phố có từ 6 – 10 điểm bán bánh trung thu của một số thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Hữu Nghị…
Theo khảo sát, đánh giá ban đầu của ngành công thương, lượng bánh của các thương hiệu lớn ngoài tỉnh như: Kinh Đô, Hữu Nghị… cung ứng trên thị trường mùa trung thu năm nay giảm mạnh, đến thời điểm hiện tại chỉ có 4 điểm bán trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Bên cạnh đó, các cơ sở làm bánh trong tỉnh cũng bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường với số lượng dự kiến không giảm so với năm trước. Đặc biệt, một số thương hiệu đã có sản phẩm trên kệ hàng tại siêu thị lớn của tỉnh như: Thành Đô, Lasvilla, Đồng Tiến….
Một số cơ sở sản xuất bánh như: Nhung Đệ, Bà Ngân, Bà Vĩ năm nay dự kiến sản xuất khoảng 4.000 hộp loại 2 bánh và 4 bánh các loại. Chị Phạm Thị Hường, Chủ tiệm bánh Bà Ngân (con dâu bà Ngân) cho biết: Về chất lượng, hương vị bánh của gia đình đã quá quen thuộc và được người tiêu dùng Lạng Sơn ưa chuộng nhiều năm nay. Dịp Trung thu năm 2016, nhiều đại lý ở các huyện trong tỉnh đã mua bánh của gia đình về bán, năm nay đã có một số đại lý tiếp tục đặt hàng với số lượng từ 50 đến 200 hộp.
Bánh trung thu cổ truyền được người tiêu dùng Lạng Sơn ưa chuộng bởi hầu hết các cơ sở sản xuất bánh đã có truyền thống, kinh nghiệm, bí quyết gia truyền. Tất cả các công đoạn như: chọn nguyên liệu, pha chế nhân, nhào trộn bột, tạo khuôn hình và cuối cùng là nướng bánh đều tự tay người thợ lành nghề của mỗi gia đình thực hiện. Do vậy bánh của mỗi cơ sở đều có sự khác biệt riêng như: bánh nhân đậu xanh Nhung Đệ nức tiếng bởi vị ngọt thanh, không gắt, bánh thập cẩm luôn tròn đủ 10 vị. Chị Vũ Thu Phương, ở ngõ 1, Đường Thành, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gia đình quen với hương vị bánh trung thu làm thủ công gia truyền của tỉnh với vị rất đậm đà nhưng khi ăn không có cảm giác ngán.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, những năm gần đây, các cơ sở sản xuất đã đầu tư bao bì, nhãn mác, hộp bánh có mẫu mã ấn tượng, bắt mắt không thua kém gì các thương hiệu bánh lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, các công đoạn làm bánh vẫn được sản xuất thủ công với những bí quyết gia truyền, có khác chăng chỉ là việc thay thế lò nướng than bằng lò nướng điện nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Huy Hiệu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: Qua những đợt kiểm tra liên ngành trước dịp Tết Trung thu cho thấy, tuy bánh được sản xuất thủ công nhưng các cơ sở đều cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu có vi phạm chỉ là những thiếu sót nhỏ về thủ tục giấy tờ kinh doanh. Đặc biệt, năm nay, hầu hết các hộ sản xuất đều nhập nguyên liệu làm nhân bánh ở trong nước, có nguồn gốc xuất xứ và tự tay thợ bánh gia đình chế biến nhân.
Trong nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, việc thương hiệu bánh trung thu cổ truyền xứ Lạng vẫn có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng là vô cùng quý giá. Mong rằng theo thời gian, các thương hiệu bánh trung thu Lạng Sơn sẽ phát triển hơn nữa, xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế.
ANH DŨNG
Ý kiến ()