Thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam
Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, các sản phẩm CNTP của Việt Nam chưa thật sự có chỗ đứng, làm giảm giá trị cạnh tranh so với các nước khác. Hoạt động xuất khẩu của ngành thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp. Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng đều cho rằng, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu (XDTH) cho sản phẩm.
Hiện, các DN thực phẩm của Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, hầu như chưa tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, thiếu liên kết, hợp tác; chưa có một nền tảng chuẩn mực chung, lại chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, khó có thể XDTH mạnh. Như đối với ngành gạo, Việt Nam còn thiếu những giống lúa có chất lượng cao và ổn định. Các DN Việt Nam hiện đang xuất khẩu gạo chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, vì thế khi chuyển sang phân khúc cao cấp cũng là cả một vấn đề. Còn đối với mặt hàng cá tra, khó khăn lớn nhất là sự hợp tác của DN trong việc XDTH chung, các DN hiện nay chỉ tập trung vào thương hiệu của chính các DN. Hơn nữa, các DN cũng chưa có chiến lược cạnh tranh lành mạnh mà chủ yếu cạnh tranh bằng hạ giá sản phẩm, trong khi không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo các chuyên gia của Hà Lan, Thụy Sĩ đến từ các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam XDTH, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới qua hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, là cơ hội tốt cho việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước, tiếp thu những tiến bộ của các nước trong việc XDTH. Các chuyên gia kiến nghị rằng, để XDTH cho ngành thực phẩm của Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nâng cao tính nhất quán của sản phẩm cũng như cần xây dựng quy trình chất lượng từ khâu sản xuất của người nông dân. Theo họ, Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm để có thể tạo nên một kiến trúc thương hiệu chặt chẽ, có tác động chiến lược, đem đến sự phát triển cho từng dòng sản phẩm và thúc đẩy tính hợp tác giữa các DN. Đây là hướng đi đã từng được nhiều quốc gia châu Á áp dụng thành công như Thái-lan, Hàn Quốc… Thương hiệu ngành sẽ chia sẻ định vị và xác định tầm nhìn của thương hiệu chung quốc gia.
Trong bối cảnh nêu trên, Chương trình xây dựng “Chiến lược Thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm” được Bộ Công thương khởi động từ cuối năm 2014, được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế nhằm xây dựng một hình ảnh chung, thống nhất cho ngành thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó XDTH chung cho ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế; xây dựng uy tín về chất lượng và giá trị; gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu và thúc đẩy ngành thực phẩm Việt Nam tăng trưởng; thúc đẩy xuất khẩu và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc chế biến ở Việt Nam. Hiện, có chín hiệp hội ngành hàng đăng ký đồng hành cùng chương trình gồm: lương thực, cà-phê, chè, trái cây, thủy sản, hạt tiêu, điều, mật ong và dừa.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc phát triển thương hiệu sản phẩm thực phẩm cụ thể có thể khai thác cả yếu tố chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi ích cho địa phương. Để làm được điều đó, các DN cần tự thân vận động, thay đổi nhận thức, đặt chất lượng lên hàng đầu; đầu tư hệ thống dây chuyền, thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu; chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; XDTH cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối. Bên cạnh đó, các ngành hàng tập trung lại với nhau và có chiến lược quốc gia về XDTH. Cục cũng cho rằng, xu hướng hiện nay là XDTH cho từng ngành, từng mặt hàng cụ thể, không nên XDTH thực phẩm chung sẽ gây khó giải quyết vấn đề kỹ thuật của ngành hàng cụ thể khi tiếp thị xuất khẩu. Nếu phát triển thương hiệu riêng trong chương trình thương hiệu chung quốc gia sẽ là không cần thiết và lãng phí nguồn lực.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()