Thượng đỉnh Nga-Triều: Trọng tâm là vấn đề hạt nhân
Theo hãng tin TASS (Nga), lúc 14h10′ ngày 25/4 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu cuộc gặp song phương tại trường Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU), trên đảo Russky ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Cuộc hội đàm sẽ diễn ra theo hai thể thức, gồm hội đàm kín chỉ riêng giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến kéo dài gần một giờ và hội đàm mở rộng có sự tham gia của các thành viên trong đoàn của hai nước trong khoảng 3 giờ.
Điện Kremlin thông báo không có kế hoạch về các văn kiện chung.
Khoảng 300 nhà báo, trong đó có các nhà báo từ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tham gia đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua và cũng là cuộc gặp riêng đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Kim Jong-un nhậm chức năm 2011.
Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, ngoài việc hai nhà lãnh đạo thảo luận về các khía cạnh khác nhau của quan hệ song phương, trong đó có quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa-nhân văn, thì chủ đề chính của cuộc gặp là giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bảo đảm an ninh cho khu vực Đông Bắc Á nói chung.
Trước đó, trong phát biểu đầu tiên khi đặt chân đến Nga, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông mang theo tình cảm ấm áp của nhân dân Triều Tiên và hy vọng chuyến thăm sẽ thành công và có kết quả hữu ích. Ông cũng hy vọng sẽ thảo luận chi tiết với lãnh đạo Nga vấn đề giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên và phát triển quan hệ song phương.
Trong một diễn biến liên quan về khả năng nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga (Hạ viện) Leonid Slutski nhấn mạnh rằng Nga đã dành nỗ lực lớn trong nhiều năm để tháo gỡ căng thẳng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giờ đây việc nối lại định dạng này sẽ là hữu ích.
Ông Slutski cũng cho rằng Mỹ hiện chưa đạt được bước tiến gì trong tiến trình này và Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hợp tác và tác động tích cực đến tình hình.
Trước đó, khi được hỏi về khả năng Tổng thống Vladimir Putin đề xuất Triều Tiên nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết tất cả các nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên đều xứng đáng được ủng hộ nếu có mục tiêu giải quyết thực sự.
Ông Peskov nhấn mạnh đàm phán sáu bên thực sự là định dạng nhằm thúc đẩy tìm ra được cách tháo gỡ vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông, ngoài định dạng này, hiện nay không có cơ chế quốc tế hiệu quả nào khác trên thế giới.
Còn tại cuộc gặp người đồng cấp Triều Tiên trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh quốc tế tổ chức tại Moskva ngày 25-26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết Nga dự định tiếp tục phát triển hợp tác với Triều Tiên. Nga mong muốn làm sâu sắc hơn đối thoại chính trị với Triều Tiên và cuộc hội đàm Nga-Triều ngày 25/4 sẽ thúc đẩy củng cố hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên No Kwang Chol cho rằng: “Chúng tôi hy vọng hợp tác hiệu quả và thảo luận về quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi sẽ đóng góp vào phát triển nền an ninh quốc tế”. Ông cũng khẳng định cuộc gặp giữa hai phái đoàn đóng vai trò rất lớn trong hợp tác quân sự song phương.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()