Thượng cờ "Thống nhất non sông" tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Lễ “Thượng cờ thống nhất non sông” thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, là niềm tin, ý chí vào sức mạnh của cách mạng Việt Nam; cũng như phát đi thông điệp hòa bình, thống nhất và thịnh vượng luôn là khát vọng trường tồn, nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Sáng 30-4, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, thay mặt cả nước, tỉnh Quảng Trị long trọng thực hiện nghi lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4) và 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, lực lượng vũ trang tỉnh… dự lễ.
Năm nay Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” diễn ra trong không khí thiêng liêng, xúc động nhưng được điều chỉnh để phù hợp với công tác phòng, chống Covid-19. Đại biểu đến dự lễ thượng cờ đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… bảo đảm quy định về số lượng người và giữ khoảng cách.
Trong không khí trang nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh Kỳ đài lịch sử mà suốt 21 năm quân, dân Quảng Trị và cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, hằng năm đến ngày 30-4, hàng triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải để ôn lại ký ức của một thời hào hùng và bi tráng, tôn vinh những chiến công bất tử cũng như tri ân sâu sắc những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh ngã xuống để đất nước có được như hôm nay. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 là những cái tên quen thuộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, nay đã trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại.
Sau tháng 7-1954, đế quốc Mỹ và tay sai phá vỡ Hiệp định Genève. Từ đây, đất nước tạm thời bị chia cắt; sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời; cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất, đoàn tụ của cả dân tộc. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam; cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Những năm tháng ấy, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến ngày đêm kiêu hãnh tung bay giữa mưa bom, bão đạn của quân thù, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, anh dũng của quân và dân ta để làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30-4-1975.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Võ Văn Hưng khẳng định, bài học to lớn và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30-4-1975 luôn được vận dụng một cách sáng tạo trong chặng đường phát triển của đất nước. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành; kế thừa thành tựu phát triển mọi mặt, tầm nhìn, kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục lãnh đạo địa phương hoàn thành các nhiệm vụ đề ra với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong điều kiện có nhiều khó khăn, là minh chứng cho những lựa chọn đúng, trúng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Trên cơ sở nền tảng vững chắc được xây dựng đó, Quảng Trị sẵn sàng cho mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2021-2025 với ba trụ cột chính: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch – dịch vụ; là tiền đề quan trọng để Quảng Trị có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Trước đó, chiều 29-4, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thay mặt cả nước đến dâng hoa, dâng hương, viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ý kiến ()