Thương cảnh người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo
LSO-Năm nay đã ngoài tuổi tứ tuần nhưng chị Hứa Thu Thủy (sinh năm 1976) thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc vẫn chưa lập gia đình. Chị sống cùng mẹ và người anh trai ruột. Năm 2014, trong một lần ốm dài ngày, chị Thủy đến bệnh viện khám mới phát hiện mình bị mắc căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Chị Hứa Thu Thủy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Cũng từ đó đến nay, hằng tuần chị bắt xe từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận 3 lần/tuần. Do bệnh đã ở giai đoạn cuối nên làn da của chị đen xạm, thân hình gầy guộc, cánh tay xuất hiện các nốt chầy xước do quá trình lọc máu nhân tạo. Gặp gỡ chị Thủy vừa mới chạy thận xong tại Khoa Nội 3 Chạy thận – Tiết niệu – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị chia sẻ: Trước đây, tôi là nguồn lao động chính của gia đình. Làm lụng vất vả mưu sinh, kiếm tiền để điều trị bệnh bướu cổ cho anh trai rồi nuôi mẹ già. Mải miết kiếm kế sinh nhai tuổi thanh xuân đi qua mà chưa lập gia đình. Ai ngờ tôi lại mắc phải căn bệnh này, giờ thì không còn suy nghĩ đến việc lập gia đình nữa. Chỉ mong sao có tiền điều trị bệnh, khỏi bệnh để về nhà phụng dưỡng mẹ già.
Theo chị Thủy, anh trai của chị trước đây bị mắc bệnh bướu cổ phải sang tỉnh Thái Nguyên để chữa trị. Do không có bảo hiểm nên chi phí cho điều trị, phẫu thuật cũng tốn kém. Một mình chị phải vừa nuôi mẹ già vừa lo tiền chi phí thuốc thang, viện phí chữa bệnh cho anh trai. Anh trai chị Thủy đã lập gia đình và có 2 người con (một gái, một trai), các cháu đang trong độ tuổi ăn học nên các khoản chi tiêu sinh hoạt cho gia đình ngày càng cao mà thu nhập của gia đình thì ngày càng thu hẹp lại. Bởi gia đình chị thu nhập chủ yếu từ 7 sào ruộng lúa nhưng lại thiếu người lao động nên thu nhập càng bấp bênh.
Anh Hứa Văn Khai (sinh năm 1971 – anh trai chị Thủy) cho biết: Trước đây tôi bệnh tật, mấy năm trở lại đây lại đến lượt em gái tôi mắc bệnh. Kiếm miếng ăn, cái mặc và lo cho các con đi học đã vất vả rồi nay lại phải thêm gánh nặng các khoản chi phí thuốc thang, tiền đi lại hằng ngày cho em gái điều trị bệnh. Còn mẹ tôi năm nay cũng đã ở tuổi 80, thường xuyên ốm đau, ăn uống lại không đảm bảo dinh dưỡng nên bà càng ngày sức khỏe càng yếu đi.
Chị Vy Thị Thu Hằng, Điều dưỡng trưởng, Khoa Nội 3, Chạy thận – Tiết niệu – Lọc máu cho biết: Đa số các bệnh nhân đang chạy thận tại khoa đều là giai đoạn cuối. Bệnh nhân Hứa Thu Thủy cũng vậy, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mỗi đợt bệnh viện hoặc khoa được tiếp nhận các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến tặng quà thì khoa chúng tôi luôn ưu tiên đề xuất bệnh nhân Thủy được nhận quà. Tuy nhiên, những món quà đó chỉ là nguồn động viên, hỗ trợ trước mắt. Để bệnh nhân Thủy có thêm điều kiện chống chọi với bệnh tật lâu dài thì rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()