Thuốc lá thế hệ mới: Phân biệt rõ các loại để siết chặt quản lý
Theo quan chức Bộ Công Thương, cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá mới với định nghĩa thuốc lá theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, từ đó có hành lang pháp lý cho loại hình sản phẩm mới này.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng thay vì đốt cháy trực tiếp bằng lửa như thuốc lá điếu, nhưng thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử lại có sự khác biệt hoàn toàn, cần phân biệt rõ để có biện pháp quản lý phù hợp.
Phân biệt thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Hướng dẫn từ WHO
Thuốc lá làm nóng là sản phẩm dùng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc lá đặc chế (thay vì dùng bật lửa để đốt cháy như thuốc lá điếu), và hoàn toàn không sử dụng tinh dầu chứa nhiều hương liệu như thuốc lá điện tử.
Theo WHO, hiện có khoảng 20.000 loại tinh dầu trên thị trường, trong số đó có nhiều loại dễ thu hút đối với giới trẻ, như mùi hương bánh kẹo, trái cây…
Mùi hương hấp dẫn này chính là nguyên nhân khiến người dùng quyết định có hút thử thuốc lá điện tử hay không.
Ngay từ Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP 8) năm 2018, thuốc lá làm nóng đã được WHO xác định là sản phẩm thuốc lá và khuyến nghị các nước quản lý theo luật hiện hành của quốc gia, cũng như tuân thủ theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) hiện đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường.
Trong khi đó, WHO xác định thuốc lá điện tử không có cùng tính chất như thuốc lá điếu và phát triển không ngừng. Do đó, thuốc lá điện tử có thể không phù hợp đối với các văn bản luật hiện có và rơi vào những kẽ hở của luật pháp.
Đặc biệt, về mặt cấu tạo sản phẩm, có loại thuốc lá điện tử không thể trộn thêm tinh dầu vào sản phẩm có sẵn của nhà sản xuất, cũng có loại cho phép người dùng có thể tự pha trộn tinh dầu tùy ý, chưa kể các sản phẩm chứa chất cấm trá hình từ gốc của nhà cung cấp lậu.
Vì vậy việc quản lý các loại hình sản phẩm thuốc lá điện tử đa dạng này càng khó khăn hơn. WHO cũng cho biết các hệ thống quản lý thường không thể bắt kịp với sự thay đổi đặc tính của sản phẩm.
Kiểm soát thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Khuyến nghị từ WHO
Hiện tại, nếu thuốc lá làm nóng đã được 184/193 quốc gia thành viên của WHO đưa vào kiểm soát theo luật hiện hành đang áp dụng đối với thuốc lá điếu hoặc các sản phẩm thuốc lá khác, do đó, khung quản lý đối với thuốc lá điện tử trên toàn cầu rất đa dạng.
WHO cho biết quy định kiểm soát của chính phủ đối với sản phẩm này sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường. Hiện có 30 quốc gia cấm thuốc lá điện tử chứa nicotine trên toàn cầu.
Các nước còn lại có thể quy định thuốc lá điện tử như là hàng tiêu dùng, hoặc là sản phẩm thuốc lá, hoặc các ngành hàng khác, hoặc cũng có nơi quy định sản phẩm này như dược phẩm cần phải có bác sỹ kê đơn trước khi được phép sử dụng.
Tuy nhiên cũng nhiều có quốc gia buông lỏng quản lý hoặc không có quy định rõ ràng.
WHO nhấn mạnh nếu việc cấm thuốc lá điện tử là không khả thi, WHO yêu cầu các sản phẩm thuốc lá điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ bằng quy định pháp luật.
Mục tiêu của kiểm soát mặt hàng này chính là ngăn ngừa hút mới, ngăn chặn quảng cáo, giới hạn hương vị, cấm sử dụng ở những nơi không được phép hút thuốc lá trong nhà, ngăn chặn những tuyên bố về sức khỏe chưa được kiểm chứng…
Sau gần 10 năm các sản phẩm thuốc lá mới có mặt trên thị trường, Việt Nam hiện đã có thái độ rõ ràng đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.
Đến nay, các cơ quan ban ngành đang xem xét dùng luật hiện hành để áp dụng cho hai sản phẩm này.
Tuy nhiên, đâu là sản phẩm phù hợp với luật và sẽ được quản lý trước hết thì sẽ còn chờ sự thống nhất giữa các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Cụ thể, tại tọa đàm “Thuốc lá mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luậ hiện hành,” ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ đã tổng hợp và báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng thí điểm đối với chính sách quản lý thuốc lá mới trong năm 2020 và 2021. Trong quá trình xây dựng khung quản lý thuốc lá mới, chúng tôi đã lấy ý kiến từ các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, các bên đều đồng ý và thống nhất là cần có một hành lang pháp lý cho loại hình sản phẩm này. Hiện Bộ tiếp tục được giao phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất việc quản lý, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tăng cường phòng chống việc buôn lậu.”
“Đối với quan điểm của Bộ Công Thương, chúng tôi căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá mới với định nghĩa của thuốc lá theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá mới vào Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá,” ông Hoàn cho biết thêm.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá thuộc diện được xem xét áp dụng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, những sản phẩm không có nguyên liệu thuốc lá tiếp tục được đánh giá, xem xét liệu có đủ điều kiện để đưa vào luật hiện hành hay không./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/thuoc-la-the-he-moi-phan-biet-ro-cac-loai-de-siet-chat-quan-ly/869022.vnp
Ý kiến ()