Thuốc kháng sinh: Cần sử dụng có trách nhiệm
(LSO) – Sử dụng kháng sinh không theo hướng dẫn của thầy thuốc không những bệnh không thuyên giảm mà còn tạo ra vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn khi điều trị. Vì thế, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Con trai 5 tuổi, đầu tháng 9/2019 có các triệu chứng sốt, ho, chị Hà Thị Lâm (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) đến Nhà thuốc Thanh Thủy (đường Phai Vệ, phường Đông Kinh) mua thuốc. Sau khi nghe triệu chứng, tuổi, cân nặng, người bán không do dự, lấy cho chị 4 loại thuốc uống 3 ngày, trong đó cho kháng sinh Augmentin.
Trên thực tế, việc mua thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện là hết sức đơn giản, không cần phải có kê đơn của bác sĩ. Chính vì thế, một số người khi mắc cảm, ho, sốt… đều tự mình đi mua thuốc về điều trị mà không cần đến sự thăm khám của bác sỹ chuyên khoa. Bà Nguyễn Thanh Tú (xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng) kể: “Thường trong nhà có người bệnh, tôi không đi bác sĩ mà ra nhà thuốc mua thuốc uống. Nếu hết bệnh, tôi cất giữ vỏ thuốc đến khi người nhà có triệu chứng bệnh như cũ tôi lại cầm ra hiệu thuốc mua”.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách
Việc tự ý sử dụng thuốc không qua thăm khám, chỉ dẫn của bác sĩ làm cho nhiều bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn. Cuối tháng 8/2019, chị Đường Thị Trâm (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) phải nhập viện điều trị vì ho nhiều, tức ngực. Qua xét nghiệm, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chẩn đoán chị Trâm mắc bệnh lao đa kháng thuốc, phải điều trị theo phác đồ 9 tháng. Chị Trâm cho biết: “Tháng 5/2018, tôi nhập viện điều trị bệnh lao 6 tháng. Sau khi ra viện, tôi thấy không ho nữa nên tự ý bỏ, không uống thuốc kháng sinh bác sĩ kê đơn nữa. Mỗi lần bị ho lại, tôi ra hiệu mua thuốc về uống. Giờ tôi bị lao đa kháng thuốc, phải nhập viện điều trị lâu hơn, uống nhiều loại thuốc hơn”.
Chị Trâm là một trong 22 bệnh nhân lao đa kháng thuốc đang được quản lý, điều trị trên địa bàn toàn tỉnh. Bác sĩ Phùng Văn Lai, Khoa Lao Phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Lao đa kháng thuốc là một loại kháng thuốc kháng sinh do người bệnh sử dụng thuốc không đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thế, khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lao đa kháng thuốc, chúng tôi phải nhắc nhở và yêu cầu bệnh nhân và người nhà ký cam kết tuân thủ phác đồ điều trị.
Chị Trâm là một trong số những người bệnh trong quá trình điều trị thấy bệnh thuyên giảm, nghĩ mình đã khỏi bệnh nên tự ý dừng thuốc mà không tiếp tục sử dụng cho hết liều. Từ đó gây ra tình trạng kháng thuốc và khi bệnh quay trở lại thường nặng hơn, khó chữa hơn.
Nói về nguyên nhân, bác sĩ chuyên khoa II Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc nhận định: Kháng thuốc kháng sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức; người bệnh sử dụng kháng sinh không theo kê đơn của bác sĩ; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết… Vì thế, khi sử dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa như: sử dụng thuốc, uống thuốc đúng giờ, đúng quy cách hoặc khi sử dụng thuốc cần kiêng những thức ăn gì để không làm mất đi dược tính của thuốc.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là đơn vị tiếp nhận điều trị số lượng lớn người cao tuổi, người có bệnh lâu năm, thường dùng qua nhiều loại thuốc. Bác sĩ Nguyễn Đình Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Việc sử dụng thuốc kháng sinh đòi hỏi phải cộng đồng trách nhiệm, từ bác sĩ đến người bệnh và người nhà bệnh nhân – được coi là những giám sát viên trong quá trình điều trị. Mọi người không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Khi thấy có biểu hiện khác thường trong quá trình sử dụng thuốc cần thông báo ngay cho bác sỹ điều trị để có hướng xử lý kịp thời.
Ý kiến ()