Thước đo chất lượng giáo dục trẻ
Nhiều lĩnh vực, chỉ số, song không khó thực hiện
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi theo Thông tư số 23/2010-TT-BGD&ĐT, ngày 23/7/2010 của Bộ GD&ĐT bao gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số. Đây là những chỉ số phát triển cơ bản của trẻ 5 tuổi về sức khỏe, sự khéo léo, tâm sinh lý, ngôn ngữ, giao tiếp và nhận biết xã hội và thế giới xung quanh. Đó là yêu cầu cần đạt ở trẻ 5 tuổi- khi cấp học mầm non kết thúc và bắt đầu vào cấp học phổ thông. Đó cũng là bộ công cụ để đánh giá toàn diện những năm ở giai đoạn nhà trẻ và mẫu giáo. Được ban hành từ năm 2010- năm đầu tiên chúng ta triển khai phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi (trẻ từ 60-72 tháng tuổi), Bộ chuẩn là công cụ để các nhà trường đánh giá từng học sinh khi kết thúc giai đoạn học mầm non, cũng là công cụ để các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở từng trường, từng địa phương.
Giáo viên Trường Mầm non xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng hướng dẫn trẻ 5 tuổi vệ sinh đúng cách |
Tuy nhiều lĩnh vực, chỉ số như vậy, song việc thực hiện không quá khó. Cô giáo Nông Thị Lý, Hiệu trưởng Trường MN xã Lợi Bác (Lộc Bình) cho biết, tuy điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) còn hạn chế, nhất là đồ dùng đồ chơi cho các cháu tại các điểm trường, song đội ngũ giáo viên đã biết vận dụng những chuẩn cần thiết để quan tâm giáo dục, hướng dẫn và rèn luyện các cháu hàng ngày. Mặt khác, hầu hết các cháu đều là con em khu vực nông thôn, nên các lĩnh vực như vận động, nhận thức, tình cảm… dễ đạt chuẩn. Cái khó chính là sự phát triển về ngôn ngữ giao tiếp. Theo cô giáo Nông Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Na Sầm (Văn Lãng), tuy gặp rất nhiều khó khăn về CSVC, song nhà trường vẫn ưu tiên về công tác giáo dục thể chất cho các cháu 5 tuổi. Vì vậy, khi đánh giá theo Bộ chuẩn, các cháu đã đạt được những chỉ số cần thiết.
Các giải pháp thực hiện
Từ năm học 2012-2013, với sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho các nhà trường và đã có nhiều giải pháp thực hiện như đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ và các bậc phụ huynh, tăng cường giáo viên, đồ dùng đồ chơi… Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng đã chỉ đạo 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi các nhà trường tổ chức thực hiện, trong đó chọn 4 đơn vị là trường MN Liên Cơ, Vĩnh Thịnh, Nhật Tiến và Thiện Kỵ để làm điểm chỉ đạo. Các nhà trường tiến hành xây dựng, củng cố góc tuyên truyền, xây dựng bộ công cụ để đánh giá từng trẻ phù hợp với mỗi chủ đề, khả năng của trẻ và điều kiện thực tế ở địa phương. Xây dựng phiếu đánh giá trẻ có đủ 120 chỉ số, xây dựng phiếu đánh giá lớp…Đội ngũ giáo viên căn cứ vào mục tiêu chương trình, các chỉ số cần đo trẻ trong từng chủ đề để lựa chọn phương pháp phù hợp như phân tích sản phẩm của các cháu, phỏng vấn, trò chuyện, kiểm tra thực tế…Việc đánh giá linh hoạt, mọi lúc mọi nơi; khi đánh giá phải soi vào các dấu hiệu minh chứng để đánh giá chính xác, khách quan. Sau mỗi lần đánh giá ở mức độ khác nhau, giáo viên có thể trao đổi trực tiếp với phụ huynh những điểm mạnh, những điểm còn hạn chế để gia đình chú ý quan tâm đến các cháu. Năm học 2013-2014, toàn huyện Hữu Lũng có 24 trường MN, 4 Trường Tiểu học có lớp MN với 88 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 1995 trẻ được đánh giá theo Bộ chuẩn. Kết quả có 1989 cháu đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ 99,7%, có 6 trẻ chưa đạt, trong đó có 4 trẻ khuyết tật. Có được kết quả trên là do phòng đã ưu tiên bố trí giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt trình độ đào tạo, trong đó có 69,5% trên chuẩn, ưu tiên CSVC như phòng học, phòng chức năng, bếp bán trú, công trình vệ sinh; ưu tiên cấp đồ dùng, đồ chơi, nhất là đồ chơi ngoài trời.
Còn nhiều chỉ số phải phấn đấu
Qua 2 năm học thực hiện đánh giá theo Bộ chuẩn, nhìn chung các nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên lập phiếu đánh giá và bám sát vào các chỉ số của cả 4 lĩnh vực. Đây là phương pháp đánh giá khoa học, song cần phải khách quan hơn, vì trên thực tế, việc đánh giá trẻ còn chung chung, đánh giá ngay từ đầu năm, nên chưa đánh giá hết sự phát triển của trẻ. Tại một số trường ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em còn yếu về lĩnh vực quan hệ xã hội, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp bằng Tiếng Việt. Ở vùng thành phố, thị trấn, trẻ còn yếu về lĩnh vực phát triển sức khỏe, nhất là việc kiểm soát và phối hợp vận động các nhóm cơ lớn, nhóm cơ nhỏ, sức mạnh, sự khéo léo và dẻo dai… Đây chính là căn nguyên xã hội, xuất phát từ môi trường sống và điều kiện sống của các nhóm dân cư khác nhau. Nắm bắt được vấn đề này để ngành GD&ĐT cần quan tâm sâu hơn, kỹ hơn và có sự đầu tư thỏa đáng về CSVC, giảm lớp ghép, nhất là lớp ghép trong độ tuổi mẫu giáo; các nhà trường cần điều chỉnh cách dạy cho phù hợp với từng độ tuổi.
Ý kiến ()