LSO-Nếu chỉ thắt chặt công tác quản lý, thì với số lượng ít ỏi các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh sẽ không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng quá chú trọng phát triển, thiếu quản lý, các dịch vụ không đảm bảo chất lượng đến tay người nông dân sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.Người nông dân được tư vấn về cách sử dụng thuốc BVTV đối với từng loại giống tại Trạm Khuyến nông Văn LãngCách đây chỉ khoảng 3 năm, số lượng cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn huyện Chi Lăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu các dịch vụ này tập trung ở các khu vực trung tâm nên người dân rất khó tiếp cận. Chính vì vậy mà những gánh thuốc rong với các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục…vẫn là sự lựa chọn số một của người nông dân bởi tính tiện dụng của nó. Chủ của những gánh hàng rong, sẽ rất hạn chế về kiến thức chuyên môn, chính vì thế mà không thể đưa ra tư vấn sử...
LSO-Nếu chỉ thắt chặt công tác quản lý, thì với số lượng ít ỏi các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh sẽ không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng quá chú trọng phát triển, thiếu quản lý, các dịch vụ không đảm bảo chất lượng đến tay người nông dân sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Người nông dân được tư vấn về cách sử dụng thuốc BVTV đối với từng loại giống tại Trạm Khuyến nông Văn Lãng |
Cách đây chỉ khoảng 3 năm, số lượng cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn huyện Chi Lăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu các dịch vụ này tập trung ở các khu vực trung tâm nên người dân rất khó tiếp cận. Chính vì vậy mà những gánh thuốc rong với các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục…vẫn là sự lựa chọn số một của người nông dân bởi tính tiện dụng của nó. Chủ của những gánh hàng rong, sẽ rất hạn chế về kiến thức chuyên môn, chính vì thế mà không thể đưa ra tư vấn sử dụng hiệu quả cho người dân. Hậu quả là đã có rất nhiều trường hợp phun thuốc đến 3-4 lần mà không diệt nổi sâu, rầy, đến khi mang thuốc ra Trạm BVTV họ mới té ngửa khi biết rằng mình đã mua phải thuốc trị bệnh…vàng lá.
Giống như Chi Lăng, thống kê tính đến hết năm 2009, Văn Lãng có khoảng 27 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, nhưng thời điểm đó, qua kiểm tra, thì số có chứng chỉ hành nghề chỉ vẻn vẹn có…3 người. Vụ mùa năm ấy, tôi chứng kiến chị Nông Thị Kiến, thôn Bản Dùa, xã An Hùng phải tất tả ngược xuôi vì lúa nhà chị bị cháy rầy, còn người bán lại tư vấn cho chị sử dụng thuốc trị bệnh đạo ôn. Một bài toán đặt ra là, nếu tăng cường xử lý thật chặt các cơ sở vi phạm, thì liệu 3 người có chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn có thể đáp ứng được hết nhu cầu của nhân dân? Còn nếu không xử lý, thì sẽ còn rất nhiều người tiền mất, tật mang như gia đình chị Kiến.
Trong những năm qua, phát triển dịch vụ vật tư nông nghiệp, trong đó dịch vụ thuốc BVTV luôn là một trong những vấn đề được tỉnh ta quan tâm hàng đầu. Ông Hoàng Văn Bát, Chánh thanh tra Chi cục BVTV cho biết: quá trình phát triển phải luôn song hành với quản lý. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa 2 yếu tố đó mới có thể đưa đến tay người nông dân những sản phẩm chất lượng nhất với dịch vụ thuận tiện và giá cả hợp lý nhất.
Theo hướng đi đó, một mặt Chi cục BVTV tăng cường tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc BVTV cho các hộ có nhu cầu, cùng với đó là mở các lớp tập huấn định kỳ hàng năm phổ biến kiến thức chuyên môn và các văn bản pháp luật mới có liên quan cho những người đã có chứng chỉ hành nghề, tham dự đầy đủ các lớp tập huấn này là yêu cầu bắt buộc để cơ sở kinh doanh được gia hạn chứng chỉ hành nghề, khi chứng chỉ này hết thời hạn.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV đã cấp được 30 chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV và gia hạn cho 40 chứng chỉ. Mặt khác công tác thanh tra được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, hầu hết UBND các huyện đều thành lập các đoàn liên ngành để thanh tra lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV, từ đầu năm đến nay đã thanh tra được 60 cơ sở, phát hiện 19 cơ sở vi phạm, kịp thời chấn chỉnh và xử phạt theo đúng quy định.
|
Chăm sóc lúa ở xã Tràng Phái (Văn Quan) – Ảnh: Khánh Ly |
Qua sự tích cực của cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương, hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 330 người được cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV, trong đó có trên 200 cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Sự tăng lên nhanh chóng của các cơ sở kinh doanh thuốc đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Ông Phan Văn Sáu, Trạm trưởng Trạm BVTV Chi Lăng cho biết: trên địa bàn huyện hiện nay đã có trên 30 cơ sở kinh thuốc BVTV đủ điều kiện theo quy định. Như vậy có nghĩa là mỗi xã, thị trấn có hơn 1 cơ sở kinh doanh, nông dân tiếp cận dịch vụ rất dễ dàng. Thêm vào đó, trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp cũng đã tham gia cung ứng nguồn hàng này, trong vụ mùa này, Công ty đã dự trữ trên 1.000 tấn thuốc BVTV đảm bảo chất lượng để cung ứng. Ngoài ra, hiện nay hầu hết ở các Trạm BVTV đều có các quầy bán thuốc, rất tiện lợi và đảm bảo, dịch vụ tư vấn cho người dân cách sử dụng hiệu quả nhất.
Sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ thuốc BVTV là tín hiệu rất đáng mừng. Điều này cho thấy sự phát triển của dịch vụ nông nghiệp ở Lạng Sơn đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ, từ chỗ người nông dân đi tìm dịch vụ, thì nay, dịch vụ đang từng bước đến tận tay nhà nông.
Lê Minh
Ý kiến ()