Thuốc bảo vệ thực vật: Đưa dịch vụ đến nhà nông
LSO-Nếu như cách đây 5 năm tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc, thuốc ngoài luồng, ngoài danh mục vẫn còn khá phổ biến, thì giờ đây với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, người nông dân không chỉ được tiếp cận với các loại thuốc đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng mà còn được tư vấn bởi những người bán hàng có trình độ chuyên môn.
LSO-Nếu như cách đây 5 năm tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc, thuốc ngoài luồng, ngoài danh mục vẫn còn khá phổ biến, thì giờ đây với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, người nông dân không chỉ được tiếp cận với các loại thuốc đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng mà còn được tư vấn bởi những người bán hàng có trình độ chuyên môn.
Nông dân Hữu Lũng phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ xuân 2012-2013 |
Để đảm bảo cho vụ đông xuân sắp tới, lão nông Lộc Văn Hạp, thôn Khuổi Thút, xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình cất công ra tận Trạm Bảo vệ thực vật huyện để được tư vấn về các loại sâu, bệnh thường gặp trên rau màu và cách sử dụng đúng thuốc. Ông phân trần: thực ra mình lo xa, lại có việc ra huyện nên chủ động đến Trạm để được tư vấn, chứ đến vụ lúc nào cũng có dịch vụ bán thuốc di động đến tận xã, người bán có chứng chỉ chuyên môn do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp nên nhân dân yên tâm lắm. Nếu xét về quy mô, thì các dịch vụ bán thuốc bảo vệ thực vật lưu động bây giờ cũng không khác nhiều so với cách đây 5 năm. Nhưng những quầy hàng này lại có sự chuyển biến tích cực về chất.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Lộc Bình chia sẻ: trước đây việc quản lý những gánh hàng rong bán thuốc bảo vệ thực vật là rất khó khăn. Bởi cơ bản những người buôn bán nhỏ lẻ này hoạt động theo thời vụ, không có chứng chỉ hành nghề và hầu hết không có chuyên môn cũng như kinh nghiệm về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng trong bối cảnh mà cả huyện chỉ có vài ba quầy bán thuốc bảo vệ thực vật, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thì chính những gánh hàng rong ấy lại là nguồn cung ứng quan trọng cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Hậu quả là tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục, hay sử dụng không đúng cách, không đúng bệnh… diễn ra thường xuyên.
Cũng trong tình trạng đó, 5 năm trước đây, trên địa bàn huyện Văn Lãng thống kê được khoảng 27 hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tính ra chỉ có 1-2 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, tập trung ở thị trấn Na Sầm. Ông Nguyễn Văn Dương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Văn Lãng bộc bạch: đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở, thậm chí xử phạt các hộ vi phạm, nhưng thực tế nếu chỉ siết chặt quản lý, đồng nghĩa với việc thu hẹp dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, người chịu thiệt chính vẫn là nhà nông.
Trong bối cảnh đó, một mặt các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra các dịch vụ thuốc bảo vệ, mặt khác tìm hiểu nhu cầu, vận động và tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ đúng cách, đúng chủng loại. Ông Hoàng Văn Đảy, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: đến thời điểm này Chi cục đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 426 cá nhân, gấp gần 2 lần so với 5 năm trước đây. Trong số này, cơ quan chuyên môn thống kê được 178 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cố định và 157 hộ kinh doanh lưu động. Những địa phương như Văn Lãng, Lộc Bình… trước đây dịch vụ còn mỏng, thì hiện tại đã cơ bản đáp ứng được ít nhất mỗi xã có một cơ sở kinh doanh.
Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng của dịch vụ đã được cải thiện rất nhiều. Do tất cả các hộ kinh doanh đều được tập huấn chuyên môn, nên khả năng tư vấn, chỉ định thuốc đặc trị sâu, bệnh trên cây trồng cho người dân đã được nâng lên rất nhiều. Những gánh hàng rong lưu động trước kia gây khó cho quản lý, thì nay những cơ sở kinh doanh lưu động lại là cánh tay nối dài đắc lực đưa dịch vụ đến gần hơn với nhà nông. Chuyển biến dễ nhận thấy nhất là trước kia nhà nông phải tìm tới dịch vụ, thì bây giờ dịch vụ đã chủ động đến với nhà nông. Trong khi đó công tác quản lý cũng dễ dàng hơn nhiều khi các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng, ngoài danh mục dần bị đào thải khỏi thị trường.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()