“Thùng thuốc súng” trên bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ phát nổ
Ngày 27-11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ra chỉ thị cho quân đội nước này “duy trì thế trận sẵn sàng vững chắc” trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên leo thang lên một cấp độ mới đầy bất trắc.
Chỉ thị của Tổng thống Yoon Suk Yeol được đưa ra sau khi ông nhận báo cáo tình hình an ninh từ Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Kim Myung-soo. Theo đó, Triều Tiên đã bắt đầu xây dựng lại các trạm gác và chuyển vũ khí hạng nặng tới khu vực dọc biên giới với Hàn Quốc. Yonhap dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho hay, việc Triều Tiên khôi phục các trạm gác được bắt đầu một ngày sau khi nước này tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tới cảng Busan (Hàn Quốc) và tham gia cuộc tập trận chung trên biển giữa Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản bắt đầu từ ngày 26-11 (ảnh minh họa). Ảnh: Yonhap |
Đợt căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu từ vụ việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh trinh sát quân sự vào tuần trước. Thông qua vệ tinh trinh sát này, Bình Nhưỡng có thể xác định được vị trí và dễ dàng tiêu diệt lực lượng đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho hay, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phóng vệ tinh khác bởi “đó là một cách hợp pháp và công bằng để Triều Tiên thực hiện quyền tự vệ cũng như giám sát hành động quân sự của Mỹ và đồng minh”.
Như thường lệ, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Hàn Quốc. Seoul coi đó là “hành động khiêu khích đe dọa hòa bình khu vực”, là vỏ bọc để Bình Nhưỡng “thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa”. Ngay lập tức, chính quyền Seoul ra quyết định đình chỉ một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận quân sự năm 2018, đồng thời tuyên bố nối lại hoạt động giám sát trên không gần biên giới, coi đây là “biện pháp phòng thủ tối thiểu” trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Nóng mặt trước phản ứng của Seoul, Bình Nhưỡng gay gắt tuyên bố Hàn Quốc đã vi phạm thỏa thuận quân sự năm 2018 và các thỏa thuận quan trọng khác, đồng thời cáo buộc các cuộc tập trận chung mà Seoul và Washington tiến hành bấy lâu nay là “hành động khiêu khích vi phạm thỏa thuận quân sự”, do đó, Bình Nhưỡng không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận này và sẽ triển khai vũ khí ở biên giới với Hàn Quốc.
Cần phải nói thêm rằng, động thái khôi phục các trạm gác và chuyển vũ khí hạng nặng tới biên giới của Bình Nhưỡng bắt đầu diễn ra ngày 26-11, thời điểm Seoul công bố cuộc tập trận chung với Washington và Tokyo tại vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên, mà mục đích không gì khác ngoài việc “tăng cường tư thế phòng thủ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên”.
Theo tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên, Hàn Quốc đang theo đuổi một kế hoạch “nhằm kích động chiến tranh chống lại Triều Tiên với sự hợp tác của Mỹ và Nhật Bản”. Tờ báo thống kê, Seoul và Washington đã tiến hành khoảng 250 cuộc tập trận chung vào năm ngoái, 600 cuộc tập trận trong 4 năm qua, tất cả nhằm mục đích “chuẩn bị cho các cuộc tấn công phủ đầu vào Bình Nhưỡng”.
Sau thời gian dài chứng kiến sự thăng trầm trong quan hệ liên Triều, năm 2018 được coi là đỉnh điểm của tinh thần hòa giải khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó Moon Jae In tới Bình Nhưỡng dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hai bên nhất trí ký thỏa thuận quân sự liên Triều, tháo ngòi nổ cho một cuộc leo thang xung đột. Theo đó, hai bên cùng dỡ bỏ các trạm gác trong phạm vi 1km tính từ biên giới, cấm các cuộc tập trận và diễn tập quân sự gần biên giới trên bộ và trên biển, đồng thời thiết lập các vùng cấm bay dọc biên giới. Tại thời điểm đó, Seoul và Bình Nhưỡng đã dỡ bỏ 10 trạm gác mỗi bên và rút hết binh lính cùng vũ khí ra khỏi khu vực giáp biên.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, những nỗ lực kéo Triều Tiên và Hàn Quốc xích lại gần nhau dường như đã bị xóa sạch bởi hàng loạt hành động “ăn miếng trả miếng”, “lời qua tiếng lại” giữa Seoul và Bình Nhưỡng, dẫn đến kết cục đổ vỡ của thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018. Nhân tố nào có thể hóa giải “thùng thuốc súng” đang chực chờ phát nổ trên bán đảo Triều Tiên? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()