Thùng phối chúa ong mật: Giải pháp nâng cao thu nhập cho người nuôi ong
– Phát triển thêm số lượng đàn luôn là bài toán khó với người nuôi ong do ong có hiện tượng tách đàn và bay đi. Điều này khiến người nuôi ong khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý, không chủ động được việc nhân giống. Thùng phối chúa ong mật được ra đời đã góp phần giải quyết khó khăn trong việc tăng đàn và nâng cao thu nhập từ nuôi ong.
Để nhân giống chúa ong mật, trên thị trường đã có một số loại thùng nhân giống, tuy nhiên chi phí cao, thùng không có máng cung cấp thức ăn tự động nên tỉ lệ nhân giống thành công đạt thấp. Khắc phục những nhược điểm này, từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, em Hoàng Thành Phố, học sinh lớp 7, Trường THCS Lương Năng, huyện Văn Quan đã tìm hiểu và nghiên cứu chế tạo thùng phối chúa ong mật.
Em Hoàng Thành Phố chế tạo thùng phối chúa ong mật
Em Hoàng Thành Phố cho biết: Nguyên liệu để làm thùng phối chúa ong mật gồm ván gỗ, máng chảy tự động, cửa chắn, mũ chúa, dây dù, sáp ong, chai nhựa… Thùng phối chúa ong mật gồm 3 phần chính là thùng gỗ hình chữ nhật, máng chảy tự động có thể dẫn nước từ ngoài vào trong thùng; cửa chắn được gắn ở đường đi lại của ong. Để nhân giống ong chúa thì cần có thùng phối ong chúa, tổ ong chính (có nhiều mật, ong chúa đẻ tốt, có nhộng, ấu trùng, trứng, tích tụ đàn cao), thùng dưỡng, thùng nuôi.
Để nhân giống chúa ong mật, tác giả đã đưa ấu trùng ong từ 1 – 3 ngày tuổi từ tổ ong chính vào mũ chúa tự tạo và cho vào thùng dưỡng để nuôi dưỡng. Khi ấu trùng ong được 10 ngày tuổi thì đưa về thùng phối đã bố trí sẵn cầu ong (trên cầu ong đã có ong thợ, mật và phấn hoa). Sau đó, di chuyển thùng phối ra xa tổ cũ khoảng 2 km (để tránh ong phối cận huyết hoặc bay về tổ cũ). Điều chỉnh cho nước đường trong chai nhựa gắn trên thùng phối chảy vào máng uống tự động nhằm cung cấp dinh dưỡng cho ong trong thời gian chưa biết đi tìm mật, đồng thời mở cửa cho ong thợ đi lại. Sau khoảng 5 ngày ong chúa nở thì mở hết các cửa để ong chúa và ong thợ có thể đi lại. Khoảng 10 ngày tiếp theo ong chúa sẽ phối giống và đẻ trứng. Nếu ong đã phối giống thì chuyển cầu ong từ thùng phối sang thùng nuôi để ong đi lại và hút mật tự nhiên. Như vậy, người nuôi ong đã có thêm một đàn ong mới. Thời gian tách đàn cho hiệu quả cao nhất là từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 và từ đầu tháng 10 đến hết tháng 11 âm lịch.
Đưa thùng phối chúa ong mật vào thực tế sản xuất tại 2 hộ dân trên địa bàn xã Lương Năng, huyện Văn Quan cho thấy hiệu quả tách đàn đạt rất cao. Ông Hoàng Thành Đô, xã Lương Năng, huyện Văn Quan cho biết: Từ đầu tháng 3/2021 âm lịch, gia đình tôi bắt đầu sử dụng thùng phối chúa ong mật. Khi mới thực hiện, tôi sử dụng 5 thùng phối ong chúa và tạo ra được 5 tổ mới, thu được 30 lít mật ong. Đến nay, gia đình sử dụng 10 thùng phối ong chúa, phát triển được 30 tổ, thu được 180 lít mật ong cho thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Thùng phối chúa ong mật được làm từ những vật liệu tái chế như ván gỗ, chai nhựa nên rất thân thiện với môi trường, giá thành chỉ bằng ½ so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường (khoảng 70.000 đồng/thùng), lại có thể sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, ưu điểm vượt trội của thùng phối chúa ong mật là có máng uống tự động cung cấp thức ăn cho ong chúa trong những ngày đầu nên tỷ lệ thành công cao. Thùng có 2 loại cửa nên thuận tiện cho việc quản lý đàn ong, khi ong chúa giao phối không thành công có thể cho nhập lại đàn dễ dàng.
Thùng phối chúa ong mật giúp người nuôi ong chủ động thời gian nhân giống, chọn lựa giống ong, giúp nâng cao thu nhập do lượng mật tăng lên từ việc tăng đàn hoặc có thể bán bớt đàn ong. Với ý nghĩa thiết thực mang lại cho người nuôi ong, sản phẩm thùng phối chúa ong mật đã xuất sắc giành giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Đây cũng là sản phẩm được lựa chọn tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 18.
Ý kiến ()