Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu không phải là công cụ duy nhất để tạo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, thực thi quy định này có thể trở thành cơ hội để cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có chất lượng, có trọng điểm.
Cuộc chơi toàn cầu không thể né tránh
Chia sẻ về thuế suất tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trọng tài viên VIAC cho biết, chính sách này áp dụng với các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Hiện có hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam. Sự tham gia của Việt Nam vào quy tắc này cho thấy chúng ta đi đúng xu hướng thời đại và tiếp theo cần ứng xử như thế nào cho phù hợp thực tiễn.
Theo TS. Phan Đức Hiếu, quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ lập ra một mặt bằng chung về chính sách thuế giữa tất cả các quốc gia. Không còn ưu đãi thuế sẽ ảnh hưởng đến sự hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Ước tính có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Viêt Nam là đối tượng tác động của chính sách này. Theo tính toán sơ bộ của TS. Phan Đức Hiếu, mức thuế suất phổ thông mà Việt Nam đang áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài khoảng 12,3%. Trong khi quy tắc này quy định thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%. Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mức thuế như hiện nay thì nhà đầu tư buộc phải nộp khoảng 2,7% còn lại về quốc gia mẹ – nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.
Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, thuế đang là một trong những công cụ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng trong bối cảnh thực hiện quy tắc này, Chính phủ và các địa phương cần nghiên cứu để có cơ chế ưu đãi khác để thu hút các dự án chiến lược như kỳ vọng.
Biến thách thức thành cơ hội cải cách mạnh mẽ
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cho rằng, cơ cấu vốn đầu tư FDI trong năm 2022 cho thấy cam kết lâu dài của nhà đầu tư và triển vọng môi trường đầu tư Việt Nam.
Do vậy, ứng phó tiếp theo như thế nào để đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Còn những dự án trong tương lai, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, nếu nhà đầu tư chiến lược vẫn chọn Việt Nam thì thuế suất không phải là công cụ quyết định.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, khi lựa chọn Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ hướng đến lợi nhuận từ khoản thuế ưu đãi, mà họ đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia để nhà đầu tư đưa hàng hoá sản xuất từ Việt Nam đi ra toàn cầu với thuế suất thấp… Do vậy, lợi thế cạnh tranh tốt nhất chính là tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, không gặp trở ngại về pháp lý và xem đây là công cụ chính trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Tôi rất kỳ vọng vào sự hành động kịp thời của Chính phủ khi thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Nhà đầu tư nước ngoài trông đợi một tuyên bố chính thức về nguyên tắc, phương châm hành động của Chính phủ với quy tắc thuế này để chuẩn bị cho những kế hoạch đầu tư tiếp theo”, giảng viên từ Fullbright chia sẻ.
Đánh giá về lợi thế của Việt Nam hiện nay, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng chúng ta đang củng cố được niềm tin trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng là số vốn đăng ký đầu tư FDI năm 2022 đạt 28 tỷ USD, số vốn giải ngân thực tế lên đến trên 22 tỷ USD. Đáng nói là vốn điều chỉnh mở rộng và vốn mua cổ phần chiếm đến 55%, trong khi vốn đầu tư mới chiếm 45%.
Chuyên gia này đưa ra kiến nghị, thay vì ưu đãi miễn giảm thuế thì có thể ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư, khấu trừ chi phí. TS. Phan Đức Hiếu dẫn ra Nghị quyết 55 của Quốc hội về cơ chế thí điểm cho Khánh Hoà thu hút đầu tư vào vịnh Vân Phong. Theo đó, doanh nghiệp được khấu trừ 150% chi phí đầu tư vào một số hoạt động mà Chính phủ khuyến khích như đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, các “dự án xanh”… Đây là một giải pháp có thể tính toán cho các địa phương, vừa phù hợp với quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu vừa tăng thu hút đầu tư các dự án có chất lượng, có trọng điểm.
Trong khi đó, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đề xuất, quan trọng là khi Việt Nam thực hiện quyền đánh thuế, khoản tiền thu được sử dụng như thế nào để tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút được dòng vốn mới.
“Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam. Nếu sử dụng nguồn thuế tăng thêm trở thành lợi ích cho cả Nhà nước và nhà đầu tư thì chúng ta sẽ tạo ra những lợi ích mới trong tương lai”, ông Phan Vũ Hoàng nói và gợi ý có thể tài trợ trở lại cho doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo lao động, hoặc đầu tư cơ sở tiện ích và hạ tầng dùng chung hoặc trở thành “nguồn tín dụng xanh” cũng là cách cải thiện môi trường đầu tư khi tuân thủ quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Ý kiến ()