Thuế điện tử: Doanh nghiệp còn lắm suy tư
LSO- Năm 2010, Tổng cục Thuế bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thuế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc kê khai, nộp thuế điện tử của doanh nghiệp. Lạng Sơn được ghi nhận là một trong những địa phương đưa thuế điện tử vào khá sớm. Thế nhưng gần 5 năm, các doanh nghiệp ở Lạng Sơn vẫn còn khá suy tư.
Những năm 2010, 2011 ngành thuế đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa thuế. Những năm đó Lạng Sơn được coi là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính thuế. Ngay khi triển khai hệ thống thuế điện tử, chữ ký số, ngành thuế Lạng Sơn đã bỏ kinh phí thuê các nhà mạng như VNPT, Viettel, Công ty Cổ phần công nghệ MISA tập huấn về ứng dụng các tiện ích của thuế cho doanh nghiệp. Ngay khi tập huấn đã có 60 doanh nghiệp trên tổng số 1.400 doanh nghiệp tại Lạng Sơn đăng ký thực hiện. Những tưởng đây là tín hiệu đáng mừng vì khi ứng dụng thuế điện tử, ngành thuế, doanh nghiệp sẽ giảm tải rất nhiều thủ tục hành chính, giảm bớt khâu đi lại tiếp xúc trực tiếp. Như vậy, việc tiết kiệm văn phòng phẩm, xăng dầu, công đi lại sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp tái sản xuất mở rộng.
Doanh nghiệp nhận tài liệu hướng dẫn kê khai thuế điện tử
Tiện ích là vậy nhưng sau một thời gian đăng ký, các doanh nghiệp vắng dần và cho đến thời điểm hiện nay sự vắng bóng ấy ngày càng rõ. Theo anh Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty Tuấn Anh Lạng Sơn: “Sở dĩ doanh nghiệp còn thiếu mặn mà với thuế điện tử vì hiện nay họ vẫn quen với cách làm truyền thống, kê khai thuế thủ công, nộp tờ khai trực tiếp. Thói quen ấy không dễ gì thay đổi được. Hơn thế họ còn suy nghĩ đầu tư không biết lợi hay không”. Và như vậy họ cứ nếp cũ mà làm, ngành thuế không có chế tài xử phạt nên vẫn lấy tuyên truyền, động viên là chính mà tuyên truyền khi chưa tạo được động lực thiết thực thì các doanh nghiệp khó “động”. Thứ nữa doanh nghiệp Lạng Sơn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Trong hơn 1.600 doanh nghiệp hiện nay, chiếm tới 1/5 là doanh nghiệp chỉ có khoảng 10 người, cá biệt có doanh nghiệp chỉ có 3 người.
Doanh nghiệp nhỏ dẫn đến nguồn lực hạn chế, họ không có điều kiện để đầu tư công nghệ thông tin. Trong khi nguồn lực ít, tích lũy chưa nhiều nên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là chờ thời, xu thế đến đâu phát triển đến đấy. Khi đã không có điều kiện đầu tư công nghệ thông tin thì công nghệ điện tử ở doanh nghiệp cũng rất hạn chế dẫn đến họ không thể cập nhật được các kiến thức mới. Chính vì vậy mà năm 2013, ngành thuế Lạng Sơn được giao phát triển 200 doanh nghiệp ứng dụng thuế điện tử nhưng dù vận động, ưu đãi cũng mới dừng lại ở con số dưới 100. Trong các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện, số thực hiệu quả chỉ đạt 1%.
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Vàng cho biết, việc ứng dụng thuế điện tử một phần liên quan mật thiết đến nguồn lực con người. Việc này xuất phát từ trình độ tin học của kế toán chưa cao, lãnh đạo các doanh nghiệp chưa quan tâm đến tiện ích của thuế điện tử. Thiếu quan tâm nên công nghệ ngày càng tụt dốc. Bên cạnh đó, ngành thuế chưa quyết liệt, chưa có chế độ thưởng phạt nên doanh nghiệp cứ tà tà. Mặc dù quy trình thực hiện thuế điện tử khá đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần có mạng Internet, hoặc các thiết bị cầm tay dùng được thư điện tử, thậm chí doanh nghiệp có thể thuê máy, đăng ký chữ ký số do nhà mạng cung cấp. Chỉ cần vậy doanh nghiệp có thể khai, nộp thuế bất kỳ lúc nào.
Theo bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ chính sách thuế, nếu kê khai điện tử, các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công đi lại: “Doanh nghiệp ở cách trung tâm tầm 10 cây số, tính xăng dầu, văn phòng phẩm, thời gian kê khai mỗi năm ít nhất tiết kiệm được cả chục triệu đồng. Thế nhưng đầu tư giai đoạn đầu chỉ mất hơn một triệu đồng thì doanh nghiệp lại không quan tâm”- Bà Ngọc nói.
Có thể nói, trong xu thế hiện nay, cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính thuế là hướng đi tất yếu để phù hợp trong bối cảnh hội nhập. Thuế điện tử là một cánh cửa cải cánh hiện đại hóa thuế. Đây cũng là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Ngay từ lúc này nếu doanh nghiệp thiếu sự quan tâm sẽ dẫn đến chậm chân trong cải cách hiện đại, không tiết kiệm được chi phí thậm chí còn gây lãng phí. Và càng chậm, càng suy tư trong đầu tư thì doanh nghiệp càng thiệt hại bởi hiện đại hóa thuế cũng là sự đồng bộ giữa doanh nghiệp và ngành thuế.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()