Thực trạng xã hội hóa dạy nghề
LSO-Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 23/5/2013 về đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) các hoạt động giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Sau 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả quan trọng, trong đó có XHH hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
![]() |
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn thực hành môn điện dân dụng |
Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: XHH dạy nghề được tỉnh tập trung vào việc liên kết đào tạo giữa các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường nghề với cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh; hoạt động dạy nghề ở các cơ sở ngoài công lập. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, từ 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 cơ sở dạy nghề tư thục, đến nay, toàn tỉnh đã có 21 cơ sở đào tạo nghề (trong đó có 3 cơ sở dạy nghề ngoài công lập). Nhờ đó, ngành nghề đào tạo được mở rộng theo nhu cầu của thị trường, người học với đa dạng các nghề về: lĩnh vực nông – lâm nghiệp, dịch vụ, may mặc, đào tạo lái xe… Tính từ năm 2013 đến đầu tháng 9/2017, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được trên 38.800 người.
Để XHH dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghề công lập đã thực hiện theo hình thức liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh; với doanh nghiệp, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trung bình mỗi năm, mỗi cơ sở đào tạo nghề công lập liên kết đào tạo khoảng 10 – 15 lớp nghề. Các nghề liên kết đào tạo chủ yếu là: nấu ăn; may công nghiệp; trồng nấm, trồng rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm; sửa chữa máy nông cụ, điện tử – điện lạnh…
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, những năm gần đây, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn luôn quan tâm và thực hiện tốt XHH dạy nghề. Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, nhà trường liên kết đào tạo với khoảng 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm “đầu ra” cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Năm 2017, trường bắt đầu thực hiện học đi đôi với thực hành tại doanh nghiệp. Qua đó, vừa tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp phù hợp với ngành học, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp.
Là trung tâm dạy nghề ngoài công lập đầu tiên ở Lạng Sơn, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Tùng Linh được người dân trên địa bàn tin tưởng. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trung tâm trang bị đầy đủ hệ thống sân tập lái, sân sát hạch, 7 phòng học và một số công trình phụ trợ. Hằng năm, trung tâm đào tạo cho khoảng 1.500 học viên với mục tiêu “thạo nghề” và an toàn khi tham gia giao thông. Với chủ trương XHH cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Tùng Linh đã góp phần giảm tải cho cơ sở nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, XHH công tác dạy nghề còn nhiều hạn chế. Đó là: ngành nghề đào tạo còn ít, chủ yếu đào tạo theo năng lực sẵn có. Đội ngũ giáo viên đào tạo nghề còn yếu. Nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nên chưa đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân sau khi học nghề…
Bà Trương Thị Hợp cho biết thêm: Để giải quyết tồn tại nêu trên, các cơ sở đào tạo nghề cần nắm bắt nhu cầu lao động của thị trường để tư vấn, định hướng cho người học; mở rộng hơn nữa ngành nghề đào tạo. Rà soát, cân đối và bổ sung giáo viên đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chủ trương, chính sách đào tạo nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị dạy nghề ngoài tỉnh và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực phối hợp với cơ sở đào tạo nghề của tỉnh mở rộng thêm ngành nghề đào tạo theo nhu cầu thị trường…
THANH HÒA

Ý kiến ()