Thực trạng và giải pháp giảm thiểu
Giờ thực hành môn sinh học tại Trường phổ thông DTNT Cao Lộc |
NHIỀU NGUYÊN NHÂN
Tính đến cuối học kỳ I năm học 2013-2014, Trường THPT Tràng Định có 14 học sinh bỏ học (tỷ lệ 1%), trong đó có 1 nữ sinh xin nghỉ học để lấy chồng, số còn lại đều bỏ học để tham gia lao động tại một số công ty, doanh nghiệp. Cô Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: số học sinh bỏ học hầu hết ở khối 10 và 11, vì ở lứa tuổi này, các em đã đến tuổi lao động, sự học thì còn dài, mà gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn, nên các em đã quyết định chọn cho mình một con đường riêng.
Là một trường THPT khu vực gồm con em đồng bào của nhiều xã biên giới của huyện Lộc Bình, tuy số lượng học sinh bỏ học của nhà trường đã giảm, song học kỳ I vừa qua, Trường THPT Tú Đoạn vẫn còn 5 học sinh bỏ học. Thầy Vũ Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: tỷ lệ học sinh cấp THPT bỏ học thường tỷ lệ thuận với tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Năm học 2012-2013, tỷ lệ hộ nghèo chung ở khu vực các xã Tam Gia, Tĩnh Bắc, Khuất Xá… là trên 30%, thì có tới 5% học sinh bỏ học để đi làm. Cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chung ở các xã này còn trên 20% thì tỷ lệ bỏ học giảm hẳn.
Đối với cấp tiểu học và THCS, tỷ lệ bỏ học rất thấp (tiểu học có 10 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,017%; THCS có 101 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,23%). Nguyên nhân chính là hoàn cảnh gia đình khó khăn, học yếu dẫn đến chán học và do bệnh tật phải điều trị dài ngày.
CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, giảm thiểu học sinh bỏ học là một phần và là sự hiện thực hóa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các nhà trường. Phong trào “Giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ về mọi mặt” đã được các nhà trường thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Cô giáo Phạm Thị Đường, Trường THCS xã Mai Sao (Chi Lăng) đã tìm hiểu từng học sinh và thấy có xu hướng muốn bỏ học vì học lực yếu, cô dày công giúp đỡ, động viên từng em, giúp các em tiến bộ. Năm học 2013-2014, cô đã giúp 5 học sinh tiếp tục học tập tiến bộ.
Không chỉ giúp đỡ về học lực và các mặt rèn luyện, ngành GD&ĐT, công đoàn ngành đã bằng những hàng động thiết thực chăm lo cho học sinh để giảm thiểu tình trạng bỏ học do gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong học kỳ 1 vừa qua, toàn ngành đã vận động đóng góp được 3.193 kg gạo, trên 410 triệu đồng vào “Hũ gạo tình thương” để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm tới trường. Toàn tỉnh có 20.115 học sinh phổ thông được hỗ trợ gạo theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg; có 6.855 học sinh cấp THPT được hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg (chiếm tỷ lệ 1/3 tổng số học sinh cấp THPT). Phong trào giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có tác dụng lan tỏa đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Công ty Viễn thông quân đội, Chi nhánh Lạng Sơn (Viettel Lạng Sơn) đã ký kết với ngành GD&ĐT hỗ trợ học sinh vùng khó khăn với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trên thực tế, trong 614 trường hợp bỏ học có đến 269 học sinh học tại các trường THPT và 234 học sinh tại các trung tâm GDTX. Ở vào lứa tuổi 17-18, theo xu hướng phân luồng sau THCS, các em thường thích tham gia lao động sản xuất, nhất là vào làm việc tại các doanh nghiệp để có thu nhập cho chính mình và giúp đỡ gia đình. Em Nông Văn Thường ở xã Quốc Khánh (Tràng Định) cho biết: sau khi tốt nghiệp THCS, em rất muốn đi làm tại doanh nghiệp ở Bắc Ninh, song chờ mãi vẫn chưa thấy tuyển nên em xin vào học tại Trung tâm GDTX, khi học được 1 học kỳ, doanh nghiệp thông báo tuyển, thế là em xin nghỉ học để đi làm.
Thực trạng trên cho thấy, số học sinh bỏ học ở Lạng Sơn không phải là sự quản lý yếu kém, sự buông lỏng quản lý, thiếu sự giúp đỡ, mà biểu hiện ở sự phân luồng sau THCS còn nhiều bất cập. Nếu có sự phân luồng tốt hơn, tư vấn và định hướng rõ hơn cho học sinh trước khi vào cấp THPT thì sẽ không dẫn tới tình trạng gia tăng học sinh cấp THPT và loại hình GDTX bỏ học như hiện nay.
Ý kiến ()