Thực trạng và giải pháp
Người dân thành phố Lạng Sơn tham khảo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh |
Khác với báo chí, phát thanh, truyền hình, thư tín truyền thống…, Internet và các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter… có tính tương tác và thời sự cao, người dùng ở mọi địa điểm, thời điểm đều có thể chia sẻ, đăng tải thông tin, hình ảnh, suy nghĩ cá nhân. Dạo qua một số trang cá nhân, trang thông tin mua bán sẽ thấy không ít thông tin công khai bôi nhọ danh dự; mua bán tiền giả, bán xe máy với giá rẻ nhưng thực chất là lừa đảo; tung tin đồn thất thiệt; lấy cắp tài khoản cá nhân để lợi dụng, trục lợi… Giữa một biển thông tin hỗn loạn, người dùng dễ bị cuốn vào, dành nhiều thời gian để bình luận, mổ xẻ. Từ đó, ảnh hưởng đến công việc, học tập, tác động không tốt vào tâm lý, sinh lý và nhân cách nhất là với giới trẻ.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 1 cổng thông tin điện tử, 44 trang thông tin điện tử thành viên, tổng hợp có giấy phép hoạt động. Những trang này là địa chỉ tin cậy giúp người dân cập nhật thông tin thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cùng đó, còn có trên 10 trang mạng xã hội và thông tin mua bán, trao đổi. Bên cạnh trao đổi thông tin, hình ảnh, trò chuyện thì đã xuất hiện một số cá nhân đăng tải, bình luận các sự kiện thời sự, vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh với thái độ thiếu nghiêm túc, gây sự chú ý cá nhân… Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, có 4 đối tượng lợi dụng mạng Internet đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và nói xấu chính quyền tỉnh. Trong đó, có đối tượng đã đăng tải 19 thông tin trong năm 2015, 72 thông tin trong năm 2016. Năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh đã có biện pháp xử lý đối tượng vi phạm.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức phổ biến quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện, thành phố và các tổ chức chính trị, xã hội. Công an tỉnh cũng đã theo dõi một số trang mạng hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ.
Để làm tốt công tác quản lý thông tin trên Internet và các trang mạng xã hội trong thời gian tới, UBND tỉnh cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý Internet và các trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Quang Thuận, Trưởng phòng Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Các cơ quan báo chí, truyền thông là địa chỉ tin cậy để người dân truy cập, tiếp nhận thông tin chính thống, do đó cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, trong đó vừa cung cấp thông tin có tính định hướng, chính thống vừa tăng cường các bài viết có tính chiến đấu, phê phán, không né tránh mặt trái, tiêu cực. Các cơ quan, tổ chức cần hướng dẫn, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khai thác, sử dụng Internet tại đơn vị. Bên cạnh khuyến khích sử dụng tiện ích trong môi trường mạng, thì cần chỉ rõ những tác động tiêu cực mà nó mang lại. Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý thông tin và tăng cường các biện pháp ngăn chặn tác động tiêu cực từ mạng xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ trong thực thi công tác quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Riêng đối với thanh, thiếu niên, nhà trường, gia đình và các tổ chức chính trị – xã hội cần đặc biệt quan tâm tuyên truyền, giáo dục, định hướng các em chọn lọc những thông tin hữu ích, không tham gia, phát tán thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, tuyên truyền lôi kéo làm điều sai trái.
Ý kiến ()