Thực trạng và giải pháp
LSO-Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng gần 30.000 lượt người lao động (NLĐ) sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên, việc tự ý qua biên giới lao động đã khiến NLĐ gặp nhiều rủi ro và bất lợi. Vì thế, cơ chế quản lý lao động qua biên giới được ký giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 2/2017 vừa qua được xem là giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng lao động “chui” hiện nay.
Người lao động tìm hiểu thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh |
Nhiều lao động tự phát
Nói đến lao động sang Trung Quốc làm thuê qua địa bàn Lạng Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến việc NLĐ tự ý vượt biên bằng đường mòn, lối tắt trên đồi. Nhẹ thì bị Công an Trung Quốc bắt do nhập cảnh trái phép, nặng thì bị lừa bán, bị bóc lột sức lao động không lương hoặc bị mất mạng nơi đất khách quê người.
Anh Phùng Văn K ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa hoàn hồn sau một thời gian dài bị giam giữ nơi đất khách, trắng tay về nước cộng thêm một khoản vay mượn làm lộ phí. Anh K cho biết: Đầu năm không có việc làm, thấy mọi người rủ sang Trung Quốc làm cho công ty, vợ chồng tôi cũng đi. Chúng tôi đi qua đường đồi, sang đến Bằng Tường thì bị Công an Trung Quốc bắt và bị giam giữ cùng với mấy trăm người do nhập cảnh trái phép.
Anh Nguyễn Văn B ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang còn vương nét sợ hãi trên khuôn mặt khi kể lại quá trình trốn sang làm thuê ở Trung Quốc theo đường mòn ở tỉnh Lạng Sơn. Anh B cho biết: Công việc vất vả với thời gian làm việc từ 10 đến 12 giờ/ngày nên chẳng khác nào đi đày ải. Làm việc được thời gian ngắn thì chúng tôi bị Công an Trung Quốc bắt, giam giữ 2 tháng rồi trao trả về nước với 2 bàn tay trắng.
Thực tế, không chỉ riêng anh K, anh B mà rất nhiều NLĐ, chủ yếu ở tỉnh khác luôn tìm cách “chui” sang Trung Quốc để làm thuê. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, những tháng đầu năm 2017, có trên 16.000 lượt NLĐ Việt Nam tự ý sang Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là người ngoài tỉnh và cư dân một số huyện biên giới của tỉnh như: Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định. Thực trạng trên là do những NLĐ này không có việc làm ổn định, không am hiểu pháp luật, nghe theo xúi giục của kẻ xấu muốn tìm việc làm lương cao…
Giải pháp thiết thực
Trước thực tế trên, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép. Cụ thể, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hội LHPN các cấp, ngành lao động… đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cho người dân vay vốn giải quyết việc làm, xử lý nghiêm tình trạng môi giới, dẫn dắt NLĐ trái phép qua biên giới…
Đáng chú ý là tháng 2/2017 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký biên bản thực hiện cơ chế quản lý lao động qua biên giới. Đây được coi là giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài nhằm hạn chế tình trạng xuất cảnh trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ khi xuất cảnh sang Trung Quốc; quy định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
Bà Hoàng Thị Lê, Phó trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH cho biết: Cụ thể hóa các nội dung của bản thỏa thuận hợp tác, cuối tháng 5/2017, Đoàn đại biểu của Sở LĐTB&XH đã hội đàm và tiến hành ký kết biên bản với Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội, thành phố Sùng Tả về cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Đồng thời, sở cũng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới theo Hướng dẫn số 749/HD-SLĐTBXH ngày 27/6/2017. Hiện 11 huyện, thành phố đã có văn bản triển khai thực hiện. Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh bước đầu cũng đã quan hệ, phối hợp trao đổi thông tin về cơ chế hoạt động cung ứng lao động với Công ty TNHH Dịch vụ Việc làm Trung Quốc – Thái Lan – Việt Nam – Sùng Tả.
Đại tá Lê Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh cho biết: Hiện đơn vị tích cực phối hợp với các phòng LĐTB&XH huyện, thành phố để tuyên truyền về việc xuất nhập cảnh và làm các thủ tục liên quan như cấp giấy thông hành hoặc hộ chiếu một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Tuy chưa phát sinh lao động xuất nhập cảnh theo cơ chế phối hợp này, nhưng đây cũng là giải pháp hữu hiệu để quản lý Nhà nước về lao động qua biên giới.
THANH HÒA
Ý kiến ()