Thực trạng và giải pháp
LSO-Người cận nghèo là một trong những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế (BHYT) để đảm bảo an sinh xã hội, giúp họ giảm bớt gánh nặng điều trị khi ốm đau, bệnh tật. Nhưng dù chỉ phải đóng 30% khi tham gia BHYT thì vẫn còn không ít người thuộc hộ cận nghèo thờ ơ với loại hình bảo hiểm này.
Người dân huyện Cao Lộc đối thoại về chính sách BHYT với cơ quan chức năng, trong đó có BHYT đối với người cận nghèo |
Những năm gần đây, chính sách BHYT đã phần nào giúp người dân dần tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, người bị bệnh mãn tính cần điều trị với chi phí cao đã thấy hiệu quả của chính sách BHYT mang lại rất rõ ràng. Thế nhưng, theo ngành chức năng, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 20.522 hộ nghèo với trên 91.690 người, trong đó có trên 7.500 đối tượng người cận nghèo cần khai thác đóng BHYT. Mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ phần lớn mức đóng, nhưng tính đến hết tháng 3/2014, chỉ có khoảng 8% người cận nghèo thuộc đối tượng cần khai thác tham gia BHYT.
Luật BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 1/7/2009. Theo đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo là một trong những nhóm đối tượng thực hiện BHYT ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, với mức đóng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, phần còn lại do người tham gia tự đóng. Đến tháng 6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 797 nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo lên 70% kể từ ngày 1/1/2012, phần còn lại do người tham gia tự đóng.
Đặc biệt, đến tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 705 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo; người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT kể từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, trên thực tế, những năm vừa qua số người thuộc diện đối tượng cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tham gia đóng BHYT vẫn còn ở mức rất thấp dù đã được nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh: Năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 201 người thuộc đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, năm 2013 con số này là 291 người và tính đến hết tháng 3/2014, toàn tỉnh cũng mới chỉ có 607 người cận nghèo thuộc diện đối tượng cần khai thác tham gia đóng BHYT.
Tìm hiểu nguyên nhân người cận nghèo trên địa bàn chưa thực sự mặn mà với chính sách BHYT, nhìn nhận một cách khách quan, thì công tác tuyên truyền chưa được triển khai thường xuyên, liên tục. Phần lớn còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ đại lý thu BHYT. Trong khi đội ngũ này có năng lực không đồng đều, hơn nữa lại phải trông chờ vào sự nhiệt tình của các đại lý. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự sát sao; cơ quan quản lý đối tượng thực hiện phân loại các nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% và 100% mức đóng BHYT còn chậm. Việc lập danh sách hộ gia đình cận nghèo để trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, nhận thức của một số hộ gia đình cận nghèo về chính sách BHYT và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Phần lớn người mua bảo hiểm thuộc đối tượng này là người đang ốm đau hoặc có nguy cơ phải khám, điều trị bệnh, nên khi có biểu hiện bệnh họ mới tham gia BHYT.
Mặt khác, một số hộ gia đình cận nghèo cũng chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của chính mình, còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một lý do nữa là điều kiện kinh tế của các hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn còn nhiều khó khăn nên họ không tham gia BHYT, mặc dù chỉ phải đóng 30% so với giá thẻ. Quả thực, theo quy định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, thì hộ cận nghèo ở nông thôn là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 – 520.000 đồng/người/tháng trở xuống; hộ cận nghèo ở thành thị thì mức thu nhập bình quân từ 501.000 – 650.000 đồng/người/tháng. Thực tế khoảng cách để tính mức thu nhập giữa hộ nghèo và cận nghèo không chênh lệch là mấy. Thế nhưng, nếu là đối tượng thuộc diện hộ nghèo thì được hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT, còn hộ nghèo chỉ 70%. Nếu tính theo mức đóng BHYT hiện nay, thì sau khi đã được nhà nước hỗ trợ, mỗi người cận nghèo cũng vẫn phải đóng gần 190 nghìn đồng, tương đương với 30% tổng giá trị một chiếc thẻ BHYT.
Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề ra một số giải pháp tích cực. Bà Nông Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn cho biết: trước hết là phải tích cực tuyên truyền trong công tác thực hiện luật BHYT trực tiếp đến tận thôn bản, tổ dân phố. Thứ hai cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành LĐTB&XH cần phối hợp sớm lập danh sách hộ gia đình cận nghèo để trình cấp thẻ. Một giải pháp nữa là tìm chính sách, phương án để hỗ trợ thêm mức đóng phục vụ cho đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, trong đó hiện nay Bộ Y tế đang triển khai dự án hỗ trợ BHYT cho các tỉnh Đông Bắc bộ, đồng bằng Sông Hồng, trong đó có Lạng Sơn. Theo đó, các đối tượng thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ thêm là 20% mức đóng. Ngành BHXH cũng rất mong sớm triển khai dự án này trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới để đối tượng người cận nghèo được hưởng chính sách BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong tương lai không xa.
THANH HÒA
Ý kiến ()