Thực trạng quản lý, sử dụng công trình nước sinh hoạt ở Gia Lộc
LSO-Xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng hiện có 8 công trình nước sinh hoạt tập trung với 20 bể chứa nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, do các công trình được xây dựng đã lâu, không được quản lý, duy tu, bảo dưỡng nên các bể chứa nước đã xuống cấp; một số đường ống dẫn nước không còn sử dụng được gây lãng phí.
Bể nước sinh hoạt tập trung thôn Đông Pầu, xã Gia Lộc bị hỏng van khóa nước |
Những ngày đầu tháng 11/2017, chúng tôi có mặt tại 3 thôn: Lũng Mắt, Lũng Mần và Nà Mần, xã Gia Lộc khảo sát thực tế công trình nước sinh hoạt tập trung tại đây. Theo đó, công trình nước sinh hoạt của 3 thôn được xây dựng năm 1998 từ nguồn tài trợ của tổ chức Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), người dân đóng góp ngày công lắp đặt đường ống dẫn và xây mỗi thôn một bể chứa nước. Tuy nhiên, sau khi công trình đưa vào sử dụng thì bể chứa nước của hai thôn Lũng Mần và Nà Mần thường xuyên không có nước.
Do không có người quản lý công trình nên người dân ở khu vực đầu nguồn tự ý bịt đường ống dẫn nước của hai thôn phía dưới hoặc chặt đứt đường ống dẫn nước để lấy nước phục vụ sản xuất. Hai bể chứa nước của thôn Lũng Mần và Nà Mần đã bỏ không hơn 10 năm nay. Các đường ống dẫn nước đã bị mất.
Ông Hoàng Văn Chiển (thôn Lũng Mần) cho biết: Ngày bàn giao công trình đưa vào sử dụng, nước chảy về bể ngay gần nhà, chúng tôi phấn khởi lắm, cứ nghĩ từ nay sẽ không lo thiếu nước sinh hoạt và một phần nước sản xuất ở khu vực gần bể chứa nước nữa. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, không được bao lâu sau thì bể không còn một giọt nước nào chảy về. Để có nước phục vụ sinh hoạt, chúng tôi phải đào giếng, thuê máy khoan giếng.
Tình trạng trên diễn ra ở nhiều công trình nước sinh hoạt khác trên địa bàn xã. Đơn cử như: công trình nước sinh hoạt thôn Nam Nội có 3 bể chứa đã hỏng 2 bể; thôn Cầu Boóng có 2 công trình, 5 bể chứa, đã hỏng một bể; các bể chứa khác đã xuống cấp, các van khóa nước hoặc đường ống dẫn bị hỏng…
Xã Gia Lộc có 11 thôn, dân cư sống tập trung thành từng xóm, bản nhưng hầu hết các thôn, bản đều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Từ năm 1995 – 2005, được sự quan tâm của Nhà nước, từ nguồn vốn Chương trình 135 và sự tài trợ của tổ chức Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc, xã đã được xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi đưa vào sử dụng, xã chưa thành lập được ban quản lý, bảo vệ, khai thác công trình; công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong sử dụng các công trình công cộng chưa được chú trọng đúng mức nên công trình rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, các công trình vừa bị hư hỏng do thời tiết, không được quản lý, bảo vệ; vừa bị hư hỏng do chính người dân không có ý thức, một số ít hộ đầu nguồn tự chích ngang ống dẫn để lấy nước, dẫn đến nước không chảy được về bể. Từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, các công trình chưa được duy tu, bảo dưỡng nên trong 20 bể chứa nước hiện nay đã hư hỏng 5 bể; các bể còn lại đang xuống cấp, các đường ống dẫn nước bị tắc hoặc hệ thống lọc nước từ đầu nguồn không còn đảm bảo, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí tài sản.
Cùng với đó, do quá trình khảo sát không kỹ, đặt bể chứa không phù hợp nên khi xây dựng xong, tại nhiều công trình nguồn nước tự chảy yếu không đủ cho người dân sử dụng.
Ông Vi Việt Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lộc cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, xã sẽ thành lập ban quản lý công trình công cộng trên địa bàn, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ cụ thể cho từng thôn bản, nhóm hộ gia đình. Trong đó quy định rõ: công trình nằm trên phần đất của thôn nào, thôn đó có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Đồng thời chỉ đạo các ban, đoàn thể, các thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn, bản, hộ gia đình để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, sử dụng công trình công cộng; cử người phụ trách kiểm tra, giám sát công trình thường xuyên. Mặt khác, xã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hoặc thay thế các thiết bị đã bị hư hỏng, phấn đấu công trình còn khắc phục được đến đâu thì sẽ sửa chữa đến đó nhằm quản lý, bảo vệ, phát huy tốt các công trình công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
HẢI ĐĂNG
Ý kiến ()