tle=”Bài I: Thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay” on click=”$('#gallery_23218376_1_338097').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: CÂN TÂN Những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển mạnh mẽ, chiếm hơn 97% số doanh nghiệp (DN) cả nước. Các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DN lớn, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, năm 2011, do tình hình kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều, số DNNVV giải thể, ngừng hoạt động, phá sản tăng nhiều. Điều này đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh để DNNVV phát triển bền vững.
Chất chưa tương xứng với lượng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, cả nước có 77.548 DN đăng ký thành lập mới, giảm 7,2% so năm 2010. Có 53.972 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 24,3% so năm trước. Riêng hai tháng đầu năm, có: 10.119 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 55.674 tỷ đồng; có 2.759 DN giải thể, ngừng hoạt động; 2.763 DN bị thu hồi giấy phép hoạt động. Tính đến hết năm 2011, cả nước có 623.700 DN đăng ký hoạt động, hầu hết trong số này là DNNVV. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Cao Sĩ Kiêm, hiện cả nước có gần 500 nghìn DNNVV, chiếm hơn 97% tổng số DN. Các DNNVV tạo ra 45 đến 50% khối lượng hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đóng góp 20% cho ngân sách nhà nước, thu hút 56% số lao động trong các DN. Đây là một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bởi với tính linh hoạt, các DN này có thể đi vào tận các vùng, miền.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2011, trên địa bàn tỉnh có hơn 230 DNNVV phá sản, tác động tiêu cực tình hình sản xuất, chiến lược kinh doanh của gần 12 nghìn DNNVV đang hoạt động tại Đồng Nai. Đến ngày 15-2-2012, Đà Nẵng có 12.703 DNNVV đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 59.939 tỷ đồng, đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách xã hội cho Đà Nẵng, giải quyết hơn 80% việc làm mới. Do tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế, trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012, Đà Nẵng có 34 DN ngừng sản xuất, 330 DN giải thể và 944 DN không hoạt động, bỏ trụ sở, đóng mã số thuế… Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng Văn Hữu Thiết, thực tế, số DN làm ăn ổn định và có tăng trưởng khoảng 10%, khoảng 70% gặp khó khăn, phải tạm dừng mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất. Còn tại Vĩnh Phúc, năm 2012, ước tính sẽ có từ 20 đến 25% số DN trên địa bàn phải ngừng hoạt động. Theo Chủ tịch VINASME Cao Sĩ Kiêm, năm 2012 này, các DNNVV vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa. Nhiều DN sẽ phải đình trệ, giải thể, phá sản. Phần lớn những DN khó khăn sẽ thu hẹp sản xuất. Ước tính chưa đầy đủ, khoảng 30% số DNNVV có khả năng giải thể, đình trệ hoặc phá sản. VINASME chưa có kinh phí để tổ chức điều tra cụ thể thực trạng các thành viên.
Khó nhất là nguồn vốn…
Khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV là vốn. Theo Chủ tịch VINASME Cao Sĩ Kiêm, có tới 80% số DNNVV có vốn điều lệ dưới bảy tỷ đồng. Khoảng 90% số DN phải đi vay vốn ngân hàng. Việc tự huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất là rất khó khăn do hầu hết các DN này không đủ tư cách, điều kiện để vay ngân hàng, hay tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, càng khó tham gia vào thị trường vốn (chứng khoán, phát hành cổ phiếu…). Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) nêu vấn đề, ngoài các lý do khiến các DNNVV không được hưởng các hỗ trợ tài chính tín dụng (do không có tài sản bảo đảm, không có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, hồ sơ vay vốn không hợp lệ…) thì có tới 48% số DNNVV bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do. Điều này cho thấy sự thiếu minh bạch và không thống nhất trong thủ tục, quyết định cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các DN này.
Đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (Lào Cai), Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi chuyên chế biến nông sản, dược liệu xuất khẩu mỗi năm hơn 1.000 tấn. Công ty thường xuyên tiêu thụ nhiều nông sản của nông dân ở các tỉnh phía bắc, vì vậy cần vay nhiều vốn để thanh toán tiền hàng cho bà con. Giám đốc công ty Nguyễn Thị Thu cho biết: Trước đây, mỗi năm, đơn vị được vay của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) hàng chục tỷ đồng (70% giá trị tổng tài sản thế chấp) nhưng bây giờ chỉ được vay 30% nên DN rất khó khăn. Ngân hàng ngày càng xiết chặt hơn điều kiện cho vay khi yêu cầu, mỗi một lô hàng xuất bán phải có chứng từ của bên mua. Vay khoản nào phải thanh toán khoản đó mới được vay tiếp. Công ty TNHH Hoa Phong (Lào Cai) chuyên xuất nhập khẩu phân bón, vật tư nông nghiệp, cao-su. Công ty chỉ có 48 người nhưng năm 2011 đạt doanh thu 3.900 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 140 tỷ đồng. Tổng giám đốc Công ty Trần Văn Hoa cho biết, đơn vị rất cần vốn để nhập khẩu các loại phân bón theo mùa vụ. Từ năm 2011 trở về trước, công ty thường xuyên được vay ngân hàng 120 tỷ đồng, công việc làm ăn thuận lợi, vòng quay vốn rất nhanh. Tuy nhiên, năm vừa qua chỉ được vay 30 tỷ đồng nên kinh doanh rất khó khăn, trong khi mặt hàng kinh doanh của công ty rất thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.
Là DN tư nhân chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện bê-tông đúc sẵn phục vụ thi công hạ tầng đô thị, Xí nghiệp tư nhân xây dựng Tuổi Trẻ (Phú Thọ) hiện đang vay ngân hàng khoảng 4,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất rất cao, hơn 20%/năm. Trong tình cảnh khó khăn chung như hiện nay, Giám đốc Xí nghiệp kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Thọ Lê Quyết Chiến tâm sự, với lãi suất cao như thế, năm 2012 này, vợ chồng anh chẳng muốn đầu tư mở rộng sản xuất làm gì mà chỉ mong cố gắng thu hồi nợ của khách hàng, thanh lý bớt tài sản, bán bớt một số ô-tô để sớm trả nợ ngân hàng. Anh Chiến cho biết, DN của anh còn tiêu thụ được sản phẩm nên còn đỡ, chứ hầu hết các DNNVV Phú Thọ đều rất khó khăn, có đến 80% số DN này vẫn còn đang “đóng cửa” từ trước Tết Nguyên đán đến giờ. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Đồng Thị Bích Chính, phân tích: Ở Đà Nẵng, hầu hết là DN siêu nhỏ, vì vậy vốn luôn là vấn đề bức thiết, kể cả lúc kinh tế ổn định và phát triển. Hiện Nhà nước mới chỉ quy định trần lãi suất huy động mà chưa có quy định cụ thể về lãi suất cho vay. Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại An Thái (Hà Nội) Đỗ Quốc Thái cho rằng, do khó khăn chung của nền kinh tế, các DN đang tồn kho sản phẩm rất nhiều. Là DN chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, công ty chịu tác động nặng nề do thị trường bất động sản trầm lắng, cắt giảm đầu tư công. Ông Thái cho rằng, với tình trạng trên thì DN của ông cũng chỉ dám sản xuất cầm chừng, ngay cả lúc này dù có lãi suất thấp thì cũng chẳng dám sản xuất nhiều chứ đừng nói là đi vay lãi suất cao.
Đối với việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quyết định liên quan việc thành lập và hoạt động của Quỹ, song theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay có rất ít địa phương ban hành quyết định thành lập quỹ, hơn nữa, các kết quả còn rất hạn chế do gặp nhiều khó khăn. Luật gia Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME cho rằng, tuy Chính phủ đã thành lập một số quỹ như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, phát triển HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển… nhưng có thể thấy các quỹ này đều là quỹ chuyên ngành, nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động của một ngành, lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, việc tiếp cận các quỹ này rất khó khăn do các DNNVV chưa phải là đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV là rất bức thiết nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được.
… đến cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực
Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV phát triển thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính… Các chính sách, chương trình trợ giúp đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực (tài chính, mặt bằng sản xuất, công nghệ, xúc tiến, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…) và trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách, chương trình chưa cao. Một trong những lý do là các DNNVV thường gặp phải là khó khăn về tiếp cận mặt bằng sản xuất. Cả nước có rất nhiều khu công nghiệp nhưng rất ít khu dành cho DNNVV. Các nhà đầu tư thường ưu ái các DN lớn thuê với diện tích lớn. Trong khi DNNVV nếu có vào cũng không hợp vì nhu cầu diện tích nhỏ, trong khi giá thuê lại quá đắt. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, do không có chương trình, chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh dành riêng cho DNNVV nên các DN này vẫn gặp nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hòa (Đồng Nai) Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngành chế biến gỗ gần đây gặp nhiều khó khăn khiến nhiều công ty từ giữa năm 2011 đến nay phải hoạt động cầm chừng, thậm chí một số DN phải đóng cửa. Ngoài ra, phần lớn các DNNVV Đồng Nai gặp khó khăn thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh của từng sản phẩm với các DN của nước ngoài. Nhiều DNNVV đã đi các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, hoặc các nơi khác để tìm thuê đất nhưng chưa được. Nếu thuê lại mặt bằng của các nhà đầu tư khác thì không đáp ứng được nhu cầu, vì chất lượng hạ tầng thấp, quy mô nhà xưởng xây dựng sẵn không phù hợp thực tế sản xuất của DN. Mặt khác, giá thuê mặt bằng, giá điện nước cao, làm tăng thêm gánh nặng cho chi phí sản xuất, là rào cản cho những DNNVV muốn phát triển, mở rộng.
Chủ tịch VINASME Cao Sĩ Kiêm bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề khi mà lao động trong DNNVV vừa yếu lại thiếu. Số lượng được đào tạo chỉ chiếm chưa đến 30% tổng số lao động. Việc đào tạo chỉ mang tính thời vụ, trước mắt, chưa mang tính lâu dài. Trình độ quản lý, quản trị DN của lãnh đạo các DNNVV cũng có vấn đề. Về điểm này, Giám đốc Xí nghiệp tư nhân xây dựng Tuổi Trẻ Lê Quyết Chiến cho biết, ngay tại Việt Trì nhưng đơn vị rất khó khăn trong việc tuyển lao động phổ thông vì đang có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Hơn nữa, lao động phổ thông thường xuyên “nhảy việc”, ít gắn bó lâu dài với DN.
Trình độ khoa học – công nghệ và năng lực đổi mới trong các DNNVV còn hạn chế. Số lượng các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ rất ít. Phó Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Đức Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) Nguyễn Văn Hoan trăn trở, dù biết công nghệ sản xuất của DN lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng không cao, không thể so sánh với hàng của các nước trong khu vực, song vốn ít nên đành phải bấm bụng làm theo cách “liệu cơm gắp mắm”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()