Gần đây, một phúc trình của lục quân Mỹ cho biết, trong tháng 7-2012, có 38 binh sĩ tự sát, đây là con số cao nhất kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu lưu trữ hồ sơ loại này (năm 2009). Có thể coi đây là điều rất cần quan tâm, bởi lịch sử nhân loại cho thấy, các thiệt hại mà chiến tranh đưa tới không chỉ đo lường bằng tổn thất trực tiếp, tức thời trên chiến trường, mà còn thể hiện qua hậu quả dai dẳng, khủng khiếp đối với xã hội - con người. Chính vì thế, lương tri nhân loại cần luôn được thức tỉnh trước mỗi cuộc chiến tranh...Theo thống kê của quân đội Mỹ, năm 2007 có 115 binh sĩ Mỹ tự sát (tăng 13% so với năm 2006), trong đó, có 43% thực hiện sau khi họ tham chiến ở nước ngoài, 31% khi đang tham chiến và 26% chưa từng được triển khai ngoài nước Mỹ. Năm 2008, có đến 140 vụ tự sát trong quân đội Mỹ, tăng 80% so với năm 2004 và là con số kỷ lục trong vòng 30 năm của quân đội Mỹ; trong đó,...
Gần đây, một phúc trình của lục quân Mỹ cho biết, trong tháng 7-2012, có 38 binh sĩ tự sát, đây là con số cao nhất kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu lưu trữ hồ sơ loại này (năm 2009). Có thể coi đây là điều rất cần quan tâm, bởi lịch sử nhân loại cho thấy, các thiệt hại mà chiến tranh đưa tới không chỉ đo lường bằng tổn thất trực tiếp, tức thời trên chiến trường, mà còn thể hiện qua hậu quả dai dẳng, khủng khiếp đối với xã hội – con người. Chính vì thế, lương tri nhân loại cần luôn được thức tỉnh trước mỗi cuộc chiến tranh…
Theo thống kê của quân đội Mỹ, năm 2007 có 115 binh sĩ Mỹ tự sát (tăng 13% so với năm 2006), trong đó, có 43% thực hiện sau khi họ tham chiến ở nước ngoài, 31% khi đang tham chiến và 26% chưa từng được triển khai ngoài nước Mỹ. Năm 2008, có đến 140 vụ tự sát trong quân đội Mỹ, tăng 80% so với năm 2004 và là con số kỷ lục trong vòng 30 năm của quân đội Mỹ; trong đó, có đến 30% số vụ tự tử liên quan hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghannistan. Cũng trong năm 2008, số lính Mỹ tìm đến điều trị, tư vấn tâm lý cũng tăng gấp hai lần so với năm 2003. Còn trong nửa đầu năm 2009, số lính Mỹ chết do tự sát còn nhiều hơn số chết ngoài chiến trường… Và theo báo Tin tức (Nga), trong vòng 155 ngày đầu tiên của năm 2012, đã có 154 lính Mỹ tự tử, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2011. Để so sánh, tại Afghanistan trong cùng thời điểm, chỉ có 165 binh sĩ NATO chết và khoảng 50% trong số đó là binh sĩ Mỹ. Công ty Rand chuyên nghiên cứu phân tích về chính sách của Mỹ đã tiến hành điều tra và thấy rằng: có tới 20% số binh sĩ Mỹ sau khi rời chiến trường Iraq từ 3 đến 4 tháng đã mắc phải các loại bệnh tâm lý, trong đó có hội chứng tự sát. Đồng thời kết quả khám bệnh của Trung tâm kiểm tra sức khỏe tâm lý của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho thấy: có 19,1% số lính Mỹ từ Iraq trở về có vấn đề về tâm thần, gồm: trầm cảm, lo lắng, thường gặp ác mộng, không thể tập trung tâm trí vào việc gì… khiến họ trở nên nóng nảy, dễ nổi xung, thậm chí gây ra bạo lực và tan vỡ gia đình (trong số hơn 765.000 lính hải, lục, không quân Mỹ, có 27.000 vụ ly hôn và nhiều vụ trong số này có liên quan vấn đề về tâm lý mà các binh sĩ gặp phải trên chiến trường).
Giữa tháng 4-2012, một báo cáo thống kê khác của quân đội Mỹ thừa nhận, mỗi năm có khoảng 6.500 vụ cựu chiến binh tự tử trong những năm gần đây, phần lớn là người đã trải qua chiến tranh Iraq và Afghanistan… Tỷ lệ tự sát trong binh sĩ tăng vượt ngưỡng trung bình xã hội, khiến dư luận rất quan tâm. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi “đó là một lời nhắc nhở đau thương về cái giá của chiến tranh”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với nạn tự sát trong lính Mỹ, ngoài những nguyên nhân truyền thống như sự gia tăng bạo lực chiến trường, căng thẳng, chấn thương tâm lý, ma túy, rượu, thuốc lá và bệnh tật giày vò do chiến tranh, thì gần đây lại thêm các khó khăn tài chính do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra (ở Mỹ, thu nhập của một hộ gia đình trung bình dưới 22.000 USD/năm với bốn nhân khẩu được xếp vào diện nghèo; trong khi mức đền bù thương tật tỷ lệ tối thiểu 10% là 127 USD/tháng, và thương tật mức cao nhất được hỗ trợ 2.769 USD/tháng từ ngân sách)…
Những sự kiện này khiến người ta gợi nhớ tới “cuộc chiến sai lầm và tồi tệ nhất nước Mỹ” cách đây gần 40 năm ở Việt Nam, với tổng cộng hơn hai triệu lượt binh sĩ đã tới Việt Nam; 1,6 triệu người trực tiếp tham chiến; 2.387 người trong danh sách mất tích (hiện vẫn còn khoảng 1.600 người); hơn 58 nghìn người chết và hơn 300 nghìn người bị thương hoặc phải chịu đựng bệnh tật vì các loại hóa chất quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh như chất da cam hoặc mắc hội chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương… Khi trở lại Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ bị sự ân hận giày vò và nỗi mặc cảm về những tội lỗi đã gây ra cho những người dân trên miền đất này. Trong cuốn hồi ký Nhìn lại quá khứ: Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, H.1995), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara nhấn mạnh: “Trong suốt thời gian dài chiến đấu ở Việt Nam vì những điều được tin rằng là đúng đắn và chính nghĩa, rằng tìm cách bảo vệ nền an ninh của nước Mỹ và ngăn chặn sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản và thúc đẩy nền dân chủ chính trị với quyền tự do cá nhân. Nghe theo những lời kêu gọi của các chính quyền của Kennedy, Johnson và Nixon đã đưa ra các quyết định, và bằng những quyết định đó, kêu gọi sự hy sinh, cống hiến và đúng là đã gây ra sự đau khổ ghê gớm dưới danh nghĩa của các mục đích và giá trị đó…”. Danny L. Jacks – cựu binh thuộc Sư đoàn Americal đóng tại Chu Lai và bị “hội chứng sau chiến tranh” – PTSD (Post-Traumatic-Stress-Disorder), thấy mình vô nghĩa và thật sự đau đớn vì không biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm gây ra trong chiến tranh, phải nhập bệnh viện tâm thần để chữa trị. Nhưng, như ông thừa nhận, ông chỉ thật sự thanh thản khi chứng kiến sự rộng lượng tha thứ đầy cao thượng của những con người – nạn nhân mà một thời ông cầm súng tìm diệt họ. Tương tự như vậy, tháng 6-1966, khi mới 18 tuổi, Allen Nelson đã tham chiến tại Quảng Nam. Trở về Mỹ, ông mắc PTSD, “sống trong ác mộng” và điều trị bệnh tâm thần suốt 20 năm. Năm 2005, Allen Nelson đến Việt Nam, ông viết: “Tôi đã đốt làng, giết con cháu của mọi người, đã giết người già và phụ nữ, các binh sĩ. Tôi đã dùng bạo lực với không biết bao nhiêu người dân trên đất nước Việt Nam. Sai lầm này khiến tôi phải ân hận suốt đời vì mọi người ở đây chẳng ai làm gì hại tôi, hại gia đình tôi cả. Tôi trở lại Việt Nam mục đích chính là để tạ lỗi”. Sau khi Allen Nelson mất, theo ước nguyện của ông lúc còn sống, gia đình và người thân đã quyết định dùng số tiền ông để lại làm quỹ học bổng cấp cho học sinh Tam Kỳ – nơi ông đóng quân trước đây, góp một phần nhỏ cho học sinh hiếu học con nhà nghèo, các em bị khuyết tật, di chứng của chất độc da cam tiếp tục được cắp sách đến trường, như lời tạ lỗi của người cựu binh Mỹ đã từng gây tội ác với nhân dân Việt Nam.
Tháng 3 năm nào cũng vậy, nhiều cựu chiến binh Mỹ và thành viên Tổ chức Madison Quakers (Mỹ) lại đến Việt Nam lặng lẽ tổ chức nhiều hoạt động từ thiện như: xây dựng nhà cho nạn nhân chất độc da cam, tặng phụ nữ nghèo, quyên góp quỹ xây dựng trường học… tại làng Sơn Mỹ và một số vùng quê nghèo tỉnh Quảng Ngãi. Tổ chức này còn là nhịp cầu kết nối nhiều tổ chức quốc tế đến với Mỹ Lai để tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, thay một lời tạ lỗi về cuộc thảm sát 504 thường dân vô tội Mỹ Lai – Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) tháng 3-1968. Đặc biệt, dù thoát khỏi tòa án binh năm xưa (bị kết tội chung thân rồi được giảm án xuống còn ba năm tù treo) sau gần 42 năm, lương tâm đã buộc trung úy William Calley, người chỉ huy vụ thảm sát, lần đầu tiên đã đưa ra lời xin lỗi người dân Mỹ Lai. Ngày 19-8-2009, phát biểu trước thành viên câu lạc bộ Kiwanis Club, bang Georgia, ông nghẹn ngào thừa nhận: “Chẳng có ngày nào mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì xảy ra ở Mỹ Lai hôm đó; tôi thấy thương xót những người Việt Nam bị giết hại và gia đình họ, thương xót những lính Mỹ liên quan và cả gia đình. Tôi rất hối tiếc”. Các thành viên câu lạc bộ đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi Calley kết thúc. Trước sự kiện này, bà Phạm Thị Thuận – 1/16 nhân chứng sống sót và có 6 người thân bị giết trong vụ thảm sát, đã nói: “Ông William Calley- người chỉ huy vụ thảm sát lẽ ra phải là người xin lỗi từ sau ngày Việt Nam giải phóng đất nước thì mới hợp lẽ hơn, chứ không phải đợi đến bây giờ… Tuy nhiên, mọi chuyện đã qua rồi, tôi tha thứ với điều kiện anh ta biết được đó là tội ác, đã thật sự sám hối”. Ông Phạm Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ chia sẻ: “Thay mặt cho các nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông Calley. Để chuộc lỗi lầm với đồng bào Sơn Mỹ, hy vọng ông Calley hãy hành động thiết thực kêu gọi thế giới vì cuộc sống hòa bình. Đừng để bất cứ nơi nào trên thế giới lặp lại đau thương như vụ thảm sát Mỹ Lai này nữa”…
Lịch sử nhân loại đã cung cấp rất nhiều bằng chứng đủ cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của các cuộc chiến tranh. Mà để ngăn ngừa, trước hết cần quan tâm số phận con người, số phận các dân tộc, quan tâm vấn đề tạo điều kiện giúp con người và các dân tộc cùng phát triển. Bởi, dù thế nào thì tính nhân văn của quan hệ con người và quan hệ dân tộc luôn loại trừ khỏi nó các tham vọng chính trị, các tham vọng dân tộc ích kỷ, hẹp hòi, đồng thời không chấp nhận thái độ xem thường, hay xâm phạm lợi ích của dân tộc khác. Về điều này, nên tham khảo ý kiến của ông Michael Dukakis – cựu Thống đốc bang Massachusett (Mỹ), cố vấn giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải, mới chia sẻ trên Vietnam.net ngày 12-7-2012: “Cách tốt nhất để tránh chiến tranh là học hỏi lẫn nhau, nói với nhau, trao đổi ý kiến với nhau, trao đổi sự khác nhau về văn hóa, chính trị. Đó là cách bạn mang thế giới lại gần nhau và khiến cho chiến tranh không phải là cách giải quyết xung đột…”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()